Tạo động lực để người dân tự chủ

5 năm qua, huyện Yên Sơn đã đào tạo nghề cho trên 2.100 lao động là người dân tộc thiểu số ở các lĩnh vực phi nông nghiệp, nông nghiệp và lao động thuộc các ngành nghề khác. Trong số đó, trên 80% học viên có việc làm sau khi học xong nghề.

Nhiều năm chăn nuôi nhưng do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn lợn của gia đình anh Hà Văn Thanh, thôn Chương, xã Hùng Lợi hay bị bệnh, chưa đạt năng suất cao. Từ năm 2017, anh được học lớp dạy nghề chăn nuôi tại xã, được giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật chọn giống heo thịt, heo nái; kỹ thuật chăm sóc, nhận biết và điều trị kịp thời các bệnh thường gặp trong chăn nuôi. Có kiến thức, lại áp dụng hiệu quả vào thực tế nên đàn lợn của anh phát triển tốt. Hiện gia đình anh duy trì khoảng 30 con/lứa, mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.

Buổi thực hành của học viên lớp kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệptại xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Huyện có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên việc triển khai những cách làm mới trong sản xuất và chăn nuôi rất hữu ích với người dân. Ông Đặng Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết, phương pháp đào tạo nghề được đơn vị áp dụng là hình thức cầm tay chỉ việc, số buổi thực hành tăng lên thay vì chỉ dạy lý thuyết như trước đây. Giáo trình được biên soạn phù hợp với học viên. 6 tháng năm 2020, Trung tâm đã mở 4 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi cho 140 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Tân Tiến, Tân Long, Quý Quân, Thắng Quân.

Là xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2020, xã Tân Tiến có hơn 85% dân số sản xuất nông lâm nghiệp, do đó ngay từ đầu năm xã đã chú trọng công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với giảm nghèo. Đến nay, tại xã đã có 2 lớp trồng cây ăn quả và kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và 1 lớp chăn nuôi, trồng trọt do trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Nhiều hộ nhờ áp dụng hiệu quả kiến thức học được tại mô hình của gia đình đã trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế như: Chị Nguyễn Thu Hoài, thôn 1 có mô hình xen canh cây ăn quả, trừ chi phí mỗi năm chị thu lãi trên 200 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Phương, thôn 3 thành công trong chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật với hơn 100 đàn ong, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho hay, năm 2019, sau khi học xong lớp dạy nghề nuôi ong, nhiều gia đình trên địa bàn đã thành lập HTX nuôi ong mật Núi Lĩnh. Hiện nay tổng đàn ong trên địa bàn lên tới trên 1.300 đàn, đang cho thu mật và nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đến thu mua. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm xã giảm 6% hộ nghèo, hiện hộ nghèo trong xã chỉ còn 9,5%.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý nhiều người vẫn còn nặng tính trông chờ, ỷ lại. Việc dạy nghề phi nông nghiệp cho đồng bào còn hạn chế do bà con vẫn còn giữ nếp nghĩ, nếp làm cũ chưa mạnh dạn thay đổi… Trong thời gian tới, huyện Yên Sơn tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sinh kế, tăng thu nhập cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Đồng thời, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/nguon-nhan-luc/tao-dong-luc-de-nguoi-dan-tu-chu-135021.html