Tạo động lực quan trọng

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông thôn, đời sống người nông dân đã có bước chuyển tích cực, toàn diện.

Nổi bật phải kể đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên phong trào sâu rộng của toàn dân, được cả hệ thống chính trị chăm lo và đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng. Đến hết năm 2020 cả nước có hơn 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 42,5% so với năm 2015. Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã có bước phát triển mới. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đạt con số xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD, trong đó ngành Nông nghiệp đóng góp 10 tỷ USD.

Với Hà Nội, Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ về đích trước hai năm so với mục tiêu đề ra, thành phố còn có số xã nông thôn mới đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tính đến hết năm 2020, Hà Nội có 367/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ việc đổi mới tư duy trong chỉ đạo sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển căn bản, từng bước hình thành một nền nông nghiệp đô thị - nông nghiệp sinh thái - nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thật sự trở thành nguồn lực mạnh mẽ góp phần phát triển đất nước, ngành Nông nghiệp cần “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, như Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước hết cần nhận thức đúng vai trò chủ thể của người nông dân trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới và giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các nhà quản lý, hoạch định cần có tầm nhìn dài hạn về nông thôn mới Việt Nam nói chung, nông thôn mới Hà Nội nói riêng, để xây dựng những mục tiêu, giải pháp phù hợp. Đặc biệt, trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần sớm có giải pháp mang tính đột phá đưa khoa học công nghệ đến với nông dân.

Cùng với đó là có các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hình thành các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, làm cầu nối đưa khoa học công nghệ đến với nông dân, nâng cao giá trị, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Ban hành cơ chế thu hút doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ đầu tư vào lĩnh vực chế biến để phát triển các sản phẩm công nghiệp thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc đưa khoa học công nghệ đến với người nông dân cần hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái. Đặc biệt, người sản xuất, kinh doanh cần nhận thức, nâng cao chất lượng sản phẩm là hướng phát triển bền vững và kiên quyết không đánh đổi ô nhiễm môi trường lấy tốc độ tăng trưởng.

Ưu tiên đầu tư để phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tạo động lực quan trọng nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/990078/tao-dong-luc-quan-trong