Tạo đột phá du lịch Quảng Ngãi từ liên kết vùng
Du lịch Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ thế mạnh về rừng và biển.
Ngày 9-7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Tọa đàm “Kết nối, hợp tác phát triển Du lịch Quảng Ngãi”. Tọa đàm nhằm xây dựng chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn mới, sau khi Quảng Ngãi và Kon Tum hoàn tất sáp nhập.
Phát huy lợi thế từ sự đa dạng địa hình
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, ngay từ trước khi sáp nhập, cả Quảng Ngãi và Kon Tum đều đã hình thành những thương hiệu du lịch riêng, để lại dấu ấn nhất định trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu tại tọa đàm.
“Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu ổn định, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có thêm sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo”, bà Trung nói.
Sau sáp nhập, Quảng Ngãi sở hữu hệ sinh thái du lịch phong phú, kết hợp giữa biển đảo, cao nguyên, núi rừng cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tỉnh có nhiều điểm đến nổi bật như Lý Sơn, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, kết hợp với các địa danh đặc sắc của Kon Tum như Măng Đen, thác Pa Sỹ, núi Ngọc Linh, các làng văn hóa cộng đồng...


Các sản phẩm đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi được trưng bày tại tọa đàm.
Sở cho biết bộ máy chính quyền mới cần vận hành hiệu quả ngay từ đầu. Việc tổ chức tọa đàm giúp tỉnh nhận diện tiềm năng, thế mạnh du lịch rõ ràng hơn, đồng thời là dịp để chuyên gia, doanh nghiệp và quản lý nhà nước cùng bàn giải pháp lâu dài, thực tiễn và phù hợp với đặc thù địa phương.
Cũng theo bà Trung, tọa đàm hướng đến mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch thực sự khác biệt, đậm đà bản sắc Quảng Ngãi, tôn vinh thiên nhiên, văn hóa và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Phát triển du lịch liên vùng, lấy người dân làm trung tâm
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về các nhóm giải pháp trọng tâm như phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Nhiều ý kiến đề xuất tận dụng tối đa lợi thế địa hình sau sáp nhập để tạo dấu ấn riêng biệt cho du lịch tỉnh.

Tham quan, mua sắm các sản phẩm đậm nét văn hóa phía tây Quảng Ngãi tại khuôn khổ tọa đàm.
Phát biểu chỉ đạo, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá việc tổ chức diễn đàn là bước đi đúng đắn, thể hiện tinh thần chủ động và quyết liệt trong hoạch định chiến lược phát triển ngành du lịch sau sáp nhập.
Bà yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến tại tọa đàm để hoàn thiện chiến lược du lịch trong thời gian tới.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ để tạo bước đột phá cho ngành du lịch. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đặc sắc, đồng thời xây dựng Khu du lịch Măng Đen trở thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia”, bà Y Ngọc nhấn mạnh.
Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch liên vùng, đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quảng bá và quản lý, tạo dựng thương hiệu du lịch riêng biệt cho Quảng Ngãi. Quan điểm phát triển phải luôn gắn với bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Công bố đường dây nóng ngành du lịch
Trong khuôn khổ tọa đàm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi công bố đường dây nóng 0946.888.225 do Phòng Quản lý Du lịch trực tiếp vận hành, nhằm tiếp nhận phản ánh, góp ý từ người dân và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.
Đường dây nóng sẽ là kênh thông tin hai chiều, giúp ngành du lịch lắng nghe ý kiến phản hồi để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện môi trường du lịch văn minh, thân thiện và chuyên nghiệp.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tao-dot-pha-du-lich-quang-ngai-tu-lien-ket-vung-post859502.html