Tạo đột phá nhờ dữ liệu

Với tầm nhìn chiến lược - chú trọng ứng dụng công nghệ, thể thao Việt Nam đang mở ra một cánh cửa mới, nơi những phân tích dữ liệu chuyên sâu sẽ song hành cùng quá trình huấn luyện, giúp chúng ta dần chạm tới những giấc mơ Vàng.

Trường bắn quốc gia sẽ lắp đặt các cảm biến điện tử phục vụ quá trình thu thập dữ liệu.

Trường bắn quốc gia sẽ lắp đặt các cảm biến điện tử phục vụ quá trình thu thập dữ liệu.

Bốn "đạo tiên phong"

Đầu tháng 7, Cục Thể dục-Thể thao Việt Nam đã chính thức ký kết hợp tác với Công ty Dreamax, nhằm triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác huấn luyện chuyên môn cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Hiện tại, bốn môn thể thao thí điểm bao gồm bắn súng, bắn cung, taekwondo và boxing. Đây đều là những môn có yếu tố kỹ thuật cao, đòi hỏi sự chính xác, ổn định và khả năng phân tích chiến thuật nhanh nhạy, rất phù hợp để AI phát huy tối đa vai trò của mình.

Cục trưởng Thể dục-Thể thao Việt Nam Nguyễn Danh Hoàng Việt chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ AI nhằm thúc đẩy sự phát triển tốt nhất về mặt chuyên môn, qua đó nâng cao thành tích của các đội tuyển quốc gia. Từ nay đến giai đoạn cuối năm, khi đã có khuôn mẫu tích hợp dữ liệu để đưa vào chương trình huấn luyện, quá trình triển khai sẽ được nhân rộng tới nhiều môn thể thao khác.

Ngay trong tháng 7, vận động viên của bốn đội tuyển thí điểm sẽ bắt đầu quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu tập luyện cá nhân. Dữ liệu được thu thập từ các thiết bị đo trực tiếp, được tích hợp từ kết quả tập luyện và thi đấu thông qua phần mềm thống kê chuyên biệt...

Trước đây, ngành thể thao Việt Nam từng tiếp cận công nghệ thông qua việc phổ cập và trang bị phần mềm Mycoach Pro đến nhiều đội tuyển quốc gia. Khi làm quen với các tính năng, các huấn luyện viên bắt đầu hiểu được ý nghĩa các chỉ số từ việc phân tích dữ liệu của các vận động viên đang tập huấn. Đây là nền tảng giúp cả thầy và trò dần làm quen cách tư duy dựa trên dữ liệu, mở đường cho việc đón nhận AI một cách hiệu quả hơn.

Thách thức từ khâu thu thập dữ liệu

Như khẳng định của đơn vị đối tác, dữ liệu thu thập phục vụ ba mục tiêu quan trọng: quản lý nhà nước, tối ưu hóa huấn luyện nâng cao thành tích và tổ chức sắp xếp hiệu quả các chỉ số để đánh giá chuyên môn, đồng thời phục vụ công chúng trong tương lai. Quan trọng, Cục Thể dục-Thể thao Việt Nam sẽ là đơn vị quản lý dữ liệu của vận động viên, và đây là nội dung bảo mật quốc gia.

Trong quá trình tập huấn ở nước ngoài, nhiều trung tâm huấn luyện quốc tế đã lắp đặt các thiết bị cảm biến điện tử. Khi vận động viên trải qua các bài tập, chỉ số sẽ nhanh chóng được thu nhận và truyền về thiết bị lưu trữ. Ứng dụng AI khi được tích hợp sẽ thực hiện phân tích rồi gửi về nơi tiếp nhận.

Có điều, cả năm trung tâm huấn luyện lớn trên cả nước (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Bắc Ninh), chưa có địa điểm nào được trang bị thiết bị cảm biến điện tử để thu thập chỉ số vận động một cách tự động và liên tục. Do đó, chúng ta chưa thể có được một hệ sinh thái dữ liệu toàn diện, mà chủ yếu sẽ trích xuất dữ liệu từ trang thiết bị điện tử được các vận động viên mang theo bên mình trong quá trình luyện tập.

Tiềm năng ứng dụng rất lớn

"Dù thực tế còn tồn tại nhiều rào cản và công nghệ sử dụng trong thể thao tại Việt Nam vẫn hạn chế, chúng ta cần nhanh chóng bắt tay thực hiện ứng dụng AI đối với các đội tuyển thể thao. Việc chuyển đổi số các dữ liệu không chỉ đưa ra những phân tích chuyên sâu của từng vận động viên, mà qua đó sẽ giúp huấn luyện viên, cũng như chuyên gia tối ưu hóa giáo trình huấn luyện của mình", ông Nguyễn Danh Hoàng Việt thẳng thắn nhìn nhận.

Hiện tại, phần mềm AI được trang bị cho các đội thể thao quốc gia sẽ hỗ trợ xử lý dữ liệu của tất cả vận động viên từ khi bắt đầu tập luyện cho tới các kết quả đã thi đấu. Các chỉ số sẽ được lượng hóa chi tiết, giúp so sánh trình độ giữa các vận động viên, từ đó đưa ra những điều chỉnh hợp lý nhất cho giáo trình huấn luyện. Đồng thời, khi có được những phân tích đầy đủ về các thông số thể chất và kỹ thuật, ban huấn luyện có thể lựa chọn chiến thuật phù hợp dành riêng cho từng cá nhân.

Đối với môn bắn súng, bắn cung, AI sẽ phân tích đường bắn, tuyến bắn một cách chi tiết. Với boxing và taekwondo, công nghệ sẽ phân tích độ trụ, khả năng phòng chống chấn thương và độ chính xác của từng pha ra đòn. Những phân tích này sẽ giúp huấn luyện viên đưa ra những điều chỉnh kịp thời, cá nhân hóa giáo án tập luyện, phát huy tối đa tiềm năng của mỗi người. Sau khi thí điểm ở bốn đội tuyển, dựa trên đánh giá kết quả thực tế, ngành thể thao dự kiến sẽ bắt tay thực hiện ứng dụng AI vào nhiều môn thể thao trọng điểm khác.

Hơn thế, Cục cũng đã vạch ra lộ trình đầy tham vọng - xây dựng bộ hồ sơ vận động viên ngay trong quá trình tuyển chọn từ năm 2026. Bộ phận công nghệ thông tin sẽ thực hiện liên thông dữ liệu, cho phép mỗi địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu vận động viên của mình, đồng thời kết nối dữ liệu của đội tuyển thể thao quốc gia. Điều này sẽ tạo ra một hệ thống dữ liệu khổng lồ, toàn diện, phục vụ tối đa cho công tác quản lý, huấn luyện và phát triển tài năng.

Nhật Dũng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dot-pha-nho-du-lieu-post894567.html