Tạo hình xương nhân tạo: Cứu cánh cho những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp
Lần đầu ở Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện ghép xương đùi nhân tạo in 3D cho bệnh nhân bằng vật liệu PEEK. Điều này đã tạo cơ hội để điều trị triệt để những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp.
Đây là lần đầu tiên trong điều trị chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam sử dụng vật liệu này. 6 ngày trước, các bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn đã ghép thay thế 2 đoạn xương nhân tạo bằng vật liệu PEEK in 3D dài gần 20cm cho đầu trên xương đùi của 2 người đàn ông đã bị biến dạng bởi u xương.
Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Vinh (50 tuổi, Bắc Binh) và ông Khuất Hữu Trung (46 tuổi, Hà Nội) đều được chẩn đoán là u xương sụn chuyển dạng vùng đầu trên xương đùi. Do được phát hiện muộn và không điều trị trong một thời gian dài lên tới trên 10 năm, nên kích thước của 2 khối u đều rất lớn và phát triển phì đại như một cây súp lơ, xâm lấn hết toàn bộ đầu trên xương đùi trên một đoạn dài gần 20 cm, làm phá hủy mất chức năng hoàn toàn phần cấu trúc xương này. Điều này khiến 2 bệnh nhân rất khó khăn trong di chuyển và sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh nhân Khuất Hữu Trung cho biết ông mắc bệnh u xương chỏm đùi đã 5 năm. Trước khi được phẫu thuật, ông đi lại rất khó khăn, khi ngồi phải ngồi lệch về một bên, lúc ngủ cũng phải nằm nghiêng một bên. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tư vấn ông phải phẫu thuật sớm, bởi khối u xương đã chuyển thành u ác tính, gây mất đoạn, khuyết hổng tổ chức xương đùi. Nếu không phẫu thuật kịp thời, phần xương bị hổng sẽ khiến ông T. nhanh chóng bị tàn phế và suy giảm nặng nề chất lượng cuộc sống.
“Các bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho tôi trước ca mổ. Tôi đã rất lo lắng nhưng vẫn quyết tâm chữa bệnh. Giờ đây tôi thấy rằng, mình đã quyết định đúng”, ông Trung chia sẻ. Sau khi được chữa trị, ông đã không còn đau đớn, cũng không phải ngồi nghiêng, nằm nghiêng như trước, mà tự tin hơn trong cuộc sống hằng ngày. Hiện ông Trung tỏ ra rất thoải mái khi đi lại, có thể tự đứng bằng hai chân trong vòng vài phút mà không cần chống nạng.
Đứng trước những ca bệnh như thế này, trên thế giới giải pháp được lựa chọn hàng đầu là cắt bỏ đoạn xương hỏng kèm theo u và thay thế bằng khớp nhân tạo chuôi dài lắp ghép đặc biệt bằng chất liệu hợp kim titan với chi phí vô cùng đắt đỏ. Còn tại Việt Nam, đến nay các phẫu thuật viên vẫn luôn gặp khó khăn khi đưa ra giải pháp triệt để điều trị, cân nhắc làm sao vừa giải quyết khối u vừa giúp bệnh nhân bảo tồn được chức năng của khớp háng. Thậm chí trước đây, nếu bệnh nhân được khẳng định chẩn đoán là ung thư xương thì phương pháp duy nhất được lựa chọn là tháo bỏ khớp háng, khiến bệnh nhân chịu cảnh tàn phế đến suốt đời.
Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển và ứng dụng của công nghệ in 3D trong tất cả các lĩnh vực khoa học, đời sống, đồng thời với sự thừa hưởng những thành tựu của ngành công nghệ vật liệu thay thế y sinh học đem lại, đặc biệt cùng sự ra đời của công nghệ sử dụng vật liệu PEEK trong tạo hình xương nhân tạo, một hướng đi mới đã được mở ra để điều trị triệt để những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp như trên.
Chia sẻ về kỹ thuật này PGS, TS Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, vật liệu PEEK đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ lâu, tuy nhiên tại Việt Nam do những khó khăn về công nghệ (công nghệ 3D và công nghệ về sản xuất vật liệu) nên để có được kết quả như bây giờ phải nhờ có sự hỗ trợ rất nhiều từ Bộ Y tế, của UBND TP Hà Nội.
Qua nghiên cứu, vật liệu PEEK được chỉ định dùng khá đa dạng vì do tính tương thích sinh học. Tuy vật liệu này thế giới dùng đã lâu nhưng khi đưa về Việt Nam chúng ta vẫn phải đánh giá lại về vấn đề tương thích sinh học. Do đó phải làm lại đầy đủ tất cả các khâu để có đánh giá chính xác, phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Vật liệu này tương thích sinh học khá tốt, độ cứng và độ đàn hồi tương đương với xương người nên được sử dụng nhiều nhất trong các trường hợp liên quan đến xương. Ví dụ như khuyết xương ở hộp sọ, khuyết xương ở các chi thể như chân, tay, đốt sống (tổn thương do chấn thương, u…), PGS,TS Trần Trung Dũng cho biết thêm.
Sự thành công này đã mở ra khả năng ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn trong việc bảo tồn chi cho bệnh nhân mắc các bệnh lý như u xương hoặc tổn thương cũ gây mất đoạn xương dài. Công nghệ này có chi phí phù hợp với túi tiền của người bệnh Việt Nam cũng như có tính khả thi để thực hiện ở nhiều cơ sở y tế.
"Chúng tôi hy vọng thời gian tới, bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong phẫu thuật sử dụng vật liệu PEEK. Hiện Viện Nghiên cứu và Phát triển Vật liệu Y sinh là đơn vị tiên phong và duy nhất cung cấp ứng dụng công nghệ 3D trong chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình ở nước ta. Hi vọng trong thời gian tới, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng khắp mang lại niềm hạnh phúc cho các bệnh nhân tránh phải tàn tật suốt đời", PGS,TS Trần Trung Dũng cho biết.