Tạo lực đẩy cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Tháng 9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 125 về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Được coi như một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành đã cùng vào cuộc. Trong đó, Sở KH&CN đã có những hoạt động cụ thể tạo lực đẩy cho chương trình.

Rượu Mai Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu) là một trong những sản phẩm đăng ký thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019 -2020.

Rượu Mai Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu) là một trong những sản phẩm đăng ký thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019 -2020.

Ảnh: Người dân xã Mai Hạ duy trì nghề nấu rượu truyền thống.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Sở KH&CN phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và Trung tâm Nông nghiệp đổi mới sáng tạo miền Bắc (Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp và cộng đồng IECOD) tổ chức 2 lớp tập huấn về lĩnh vực KH&CN cho các cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh. Tham dự lớp tập huấn có gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, chuyên viên phụ trách Chương trình OCOP tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và gần 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ SX-KD sản phẩm dịch vụ đã tham gia hoặc có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của tỉnh.

Tham gia lớp tập huấn, các học viên được giới thiệu tổng quan về sở hữu trí tuệ (SHTT), vai trò của quyền SHTT đối với phát triển KT-XH mỗi quốc gia; tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động SHTT tại địa phương; các quy định của pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT... Đại diện các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ cá thể được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, các biện pháp quản lý và khai thác quyền SHTT, đặc biệt là cách thức xây dựng, phát triển thương hiệu đối với các đặc sản địa phương. Không chỉ được trang bị kiến thức pháp luật về vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, các học viên còn được giới thiệu rõ về các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang phổ biến hiện nay, được tư vấn hướng dẫn về đăng ký mã số, mã vạch; cách ghi nhãn hàng hóa theo quy định, cách thiết kế bao bì phù hợp với sản phẩm do mình sản xuất và cung cấp ra thị trường, cách tìm kiếm công nghệ phù hợp có khả năng ứng dụng vào SX-KD sản phẩm của doanh nghiệp.

Đồng chí Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ: Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh việc triển khai Chương trình OCOP. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, 9 tháng qua, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ các địa phương trình UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký, bảo vệ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương như: gạo J02 Đà Bắc; bưởi Yên Thủy; cam, bưởi Mường Động - Kim Bôi. Lựa chọn, xác định các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh là tài sản trí tuệ tiềm năng để xây dựng kế hoạch hỗ trợ về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu sản phẩm theo Chương trình OCOP; tổ chức tư vấn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các cán bộ quản lý Chương trình OCOP ở cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động SHTT, tăng cường quản lý hoạt động ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh; đảm bảo công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hiệu quả. Mục đích để tạo ra các sản phẩm có sự khác biệt, đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng biệt của tỉnh, chắp cánh cho các sản phẩm vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài trong thời gian tới.

Lam Nguyệt

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/133408/tao-luc-day-cho-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham.htm