Tạo luồng sinh khí mới trong giảm nghèo ở Bắc Mê

Từng bước đổi thay tư duy làm kinh tế, phát triển HTX theo chuỗi giá trị đã giúp huyện Bắc Mê (Hà Giang) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc trong huyện.

Bắc Mê là huyện nghèo 30a, gồm 18 dân tộc cùng chung sống. Huyện có 12 xã, 1 thị trấn, trong đó có đến 10 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, toàn huyện có 5.107 hộ nghèo, chiếm 46,83% tổng số hộ và 2.086 hộ cận nghèo, chiếm 18,49%.

Điểm sáng từ chăn nuôi nhốt chuồng

Trong 5 năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung ương, huyện đã tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động từ xã hội để đầu tư cho công tác giảm nghèo.

Với quan điểm phát triển chăn nuôi toàn diện, tăng cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là chăn nuôi trâu bò hàng hóa, Bắc Mê đã hỗ trợ người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo giống, thâm canh trong chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng, đưa chăn nuôi trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp.

Một trong những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao ở Bắc Mê là HTX Hải Yến (thị trấn Yên Phú) chuyên nuôi lợn đen, gà, vịt và chim bồ câu.

Khu vực nuôi lợn được đầu tư kép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán 2 lứa lợn, đồng thời cung cấp cho thị trường trên 450 con lợn giống, trên 2.000 con gà, vịt.

Mô hình sản xuất của HTX Hải Yến đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, HTX đang nhắm tới mục tiêu mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn sinh học, phát triển thêm đàn lợn nái để làm đầu mối cung cấp giống lợn đen cho người dân trên địa bàn.

Để người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo, cận nghèo thông qua các cơ chế hỗ trợ như hỗ trợ con giống, làm chuồng trại nuôi nhốt, hỗ trợ lãi suất mua trâu bò sinh sản, cải tạo đàn giống, thụ tinh nhân tạo... Đây là nền tảng để người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo có động lực để phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Theo lãnh đạo huyện, những hộ nghèo, hộ cận nghèo có nền tảng thấp cả về vốn, kiến thức chăn nuôi nên nếu không hỗ trợ, họ sẽ không có động lực, không có nền tảng làm đòn bẩy để đi lên. Trong khi điều kiện tự nhiên của huyện vốn rất khắc nghiệt, sản xuất, chăn nuôi hay bị tác động bởi thời tiết như lũ quét, rét đậm rét hại.

Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn mồi cùng với sự đồng hành cùng người dân trong quá trình chăn nuôi, đến nay, đàn gia súc hàng năm của huyện đã tương đối ổn định. Đàn trâu đạt trên 18.0000 con, đàn bò trên 7.400 con, đàn lợn gần 49.000 con và đàn dê trên 22.000 con. Hiện, ở các thôn trên địa bàn huyện đều có mô hình điểm về chăn nuôi trâu bò gắn với trồng cỏ để bảo đảm sản xuất theo hướng hàng hóa và tận dụng lợi thế địa phương.

Cụ thể như tại xã Phiêng Luông đã có Tổ hợp tác chăn nuôi bò hàng hóa. Mỗi thành viên đầu tư nuôi 4-15 con trâu, bò nhốt chuồng mang lại thu nhập từ 100 – 250 triệu đồng/năm. Tổ hợp tác cũng đề ra hương ước: một con trâu, bò ăn một gốc cây lúa hoặc cây ngô đều bị phạt 3kg lúa, ngô. Từ đó, trong thôn không còn hộ nào chăn thả rông. Đặc biệt, nuôi trâu, bò nhốt không tốn kém nhiều về kinh tế, không mất công đi chăn thả, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần và thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho gia súc.

Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giúp thay đổi được tập quán từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Đây là hướng đi mới giúp cho nhiều hộ dân thực sự thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Làm kinh tế nông nghiệp

Ngoài phát triển chăn nuôi, Bắc Mê còn đẩy mạnh phát triển liên kết hàng hóa để phát triển thế mạnh nông nghiệp, từ đó thu hút người dân làm kinh tế một cách chuyên nghiệp, tạo động lực để “lôi kéo” doanh nghiệp về đầu tư cùng người dân, HTX.

Tiêu biểu là mô hình liên kết của HTX dược liệu Phiêng Luông cùng Công ty cổ phần dược liệu Tùng Anh và Trung tâm cây thuốc Việt Nam, Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế đã vận động người dân xã Phiêng Luông chuyển đổi từ đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng ý dĩ. HTX sản xuất đến đâu được doanh nghiệp thu mua đến đó để phục vụ chế biến.

Mô hình này đã giúp cho người dân phát huy được nguồn lực về đất đai, sức lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chính quyền địa phương cũng cùng HTX đứng ra làm vai trò cầu nối, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân liên kết với doanh nghiệp, tránh những khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.

Liên kết trồng chuối phục vụ xuất khẩu là một trong những hướng làm kinh tế hiệu quả ở Bắc Mê.

Liên kết trồng chuối phục vụ xuất khẩu là một trong những hướng làm kinh tế hiệu quả ở Bắc Mê.

Hay mô hình liên kết giữa người dân, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc) và các đơn vị phân phối trong trồng, chế biến tinh bột nghệ giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra từ cây nghệ theo hình thức trồng xen canh. Mô hình này giúp địa phương có được sản phẩm đặc trưng OCOP từ bột nghệ vàng.

Theo ước tính của HTX Ngọc Sơn, để trồng 1ha nghệ, người dân cần khoảng 1 tấn giống, còn trồng xen canh với cây ngô cần khoảng 7 tạ. Nếu chăm sóc tốt, sau 10-12 tháng, nghệ sẽ cho thu hoạch 20 - 30 tấn/ha. Với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô và lúa. Chính vì vậy, nhiều hộ dân tham gia mô hình trồng nghệ đã thoát được nghèo và ổn định được cuộc sống. Đến nay, xã đã có 60ha nghệ, đảm bảo để chế biến và cung cấp cho thị trường.

Ngoài các mô hình trên, huyện Bắc Mê còn thu hút được nhiều HTX, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị hàng hóa như mô hình trồng chuối trên diện tích hơn 200ha tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định của Công ty CP Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang; mô hình nuôi cá chiên, cá lăng của HTX Thượng Tân (thị trấn Yên Phú); mô hình trồng dâu nuôi tằm của HTX Thiên Ân (xã Yên Cường)… Đây đều là những mô hình kinh tế hàng hóa mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân so với sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ.

Hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo 6%/năm

Có một điểm nổi bật là những mô hình này đã giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức, có ý chí vươn lên. Phát triển kinh tế hàng hóa, liên kết trong sản xuất góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của huyện. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm bình quân 2,22%/năm.

Nhìn vào con số này, các ngành chức năng đánh giá, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Nhất là việc ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết trong sản xuất đã tạo tiền đề để Bắc Mê hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, các trang trại, gia trại chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 46% là vẫn còn cao và chưa tạo ra sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn rình rập.

Điều này là do một số địa phương trong huyện vẫn chưa chủ động và thực hiện hiệu quả một số chính sách, chương trình giảm nghèo của tỉnh, Nhà nước một cách hiệu quả. Một bộ phận người nghèo vẫn còn thiếu ý chí vươn lên…

Để hướng tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2030, Bắc Mê đang phấn đưa đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm trở lên. Đến cuối năm 2025, đưa số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 7/13 xã, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 42,0 triệu đồng.

Để làm được điều này, huyện tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương bằng hình thức liên kết sản xuất nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo luồng sinh khí mới giúp nông nghiệp khởi sắc.

Chính quyền huyện cũng sẽ thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn trong liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Bắc Mê tiếp tục nghiên cứu để có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tao-luong-sinh-khi-moi-trong-giam-ngheo-o-bac-me-1094374.html