Tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư hàng không

Các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hàng không Việt Nam thực sự đã bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ, khi tăng trưởng từ 14 đến 15%/năm. Mới đây nhất, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng đã chính thức đi vào hoạt động, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước có sân bay dân dụng. Về hãng bay, sát cánh cùng Vietnam Airlines, hiện còn có sự góp mặt của hàng loạt các hãng hàng không tư nhân khác cùng cất cánh.

Sự phát triển nhanh với lợi thế cạnh tranh khốc liệt, ngành hàng không đang xuất hiện một số hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh đòi hỏi việc sửa đổi bổ sung Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh, vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không phù hợp với yêu cầu mới.

Tại cuộc họp mới nhất về việc sửa đổi hai nghị định này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh việc bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và giao Bộ trưởng Giao thông - Vận tải chỉ đạo đánh giá cụ thể năng lực ngành hàng không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm như tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều, bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Điểm đáng chú ý là cả DNNN và DN tư nhân thuộc lĩnh vực này đều kêu họ bị cạnh tranh không lành mạnh. Như tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019 diễn ra hồi đầu tháng 5, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã cho biết về thực trạng từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, Vietnam Airlines phải đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các DN mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để chèo kéo phi công của Vietnam Airlines.

Trong giai đoạn đầu phát triển, Vietnam Airlines tạm coi đây là trách nhiệm của hãng hàng không quốc gia, đào tạo nhân lực chung. Thế nhưng bị hao hụt tới 30% của một đội bay thì trở thành bất hợp lý và Vietnam Airlines không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy.

Trong khi ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Vietjet, hãng hàng không tư nhân đầu tiên cho rằng, DN tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, tích cực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những DN tiên phong.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Giao thông - Vận tải chỉ đạo, đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực. Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô các hãng hàng không phải bảo đảm yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng…) cũng như khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.

Các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, việc sửa đổi các nghị định này phải giúp đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các NĐT mới gia nhập thị trường hàng không dân dụng, bao gồm lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không; cảng hàng không; cung cấp dịch vụ hàng không…

Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất bỏ điều kiện kinh doanh vận tải hàng không, theo đó, việc phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không sẽ được hủy bỏ, để có được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các NĐT chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì DN kinh doanh vận chuyển hàng không cũng được điều chỉnh để giảm nhẹ gánh nặng cho các NĐT…

Tuấn Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tao-san-choi-binh-dang-cho-cac-nha-dau-tu-hang-khong-89284.html