Tạo thuận lợi cho người dân về đón Tết

Những ngày này, các địa phương của thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn với dịch Covid-19. Trong đó, các địa phương đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân về Thủ đô đón Tết.

Hội viên Hội Phụ nữ phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dân cư.

Hội viên Hội Phụ nữ phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dân cư.

Giải tỏa băn khoăn, lo lắng...

Anh Trần Long (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) cho biết, hơn 1 năm vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc, Tết này anh dự định đưa hai con về Hà Nội thăm ông bà nội. Tuy nhiên, anh băn khoăn, lo lắng là không biết Hà Nội có gây khó cho người dân về quê ăn Tết hay không?... Tương tự, anh Trần Hữu Quang (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) chia sẻ, anh làm công nhân xây dựng ở tỉnh Thanh Hóa, dù không gặp khó khăn gì về việc đi lại, nhưng quy định người từ vùng dịch đến tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện cách ly y tế khiến anh cứ lần lữa chưa muốn về Hà Nội.

Những băn khoăn, lo lắng của người dân về quê trong dịp Tết đã được giải tỏa khi ngày 20-1-2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo Chỉ thị, thành phố thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, thành phố không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân, nhất là trong dịp về quê ăn Tết.

Đón nhận thông tin này, nhiều người dân ở các huyện ngoại thành như Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng… đi làm việc ở tỉnh xa không giấu được vui mừng, phấn khởi. Chị Nguyễn Minh Hằng (huyện Hoài Đức) cho biết: “Người dân ở xa về Hà Nội như được trút bỏ những lo lắng không biết về địa phương có bị cách ly phòng dịch không. Nếu phải cách ly từ 7 đến 10 ngày thì coi như hết Tết. Đây là chỉ đạo hợp lý, người dân rất đồng tình ủng hộ, tạo thêm niềm vui khi Tết đến xuân về”.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) tăng cường hướng dẫn, xử lý giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, tạo thuận lợi cho người dân về Thủ đô đón Tết. Ảnh: Hiệp Dương

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) tăng cường hướng dẫn, xử lý giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, tạo thuận lợi cho người dân về Thủ đô đón Tết. Ảnh: Hiệp Dương

Đón Tết lành mạnh, an toàn

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, thành phố yêu cầu các địa phương tập trung cao điểm triển khai các nhiệm vụ phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của trung ương và thành phố. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận Ba Đình tập trung tuyên truyền mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan của dịch Covid-19, nhất là biến chủng mới Omicron và các biện pháp, quy định phòng, chống dịch. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở, khu dân cư, người dân, nhất là người về từ vùng dịch thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, quận Cầu Giấy đang ở mức cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Quận yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, khai báo y tế điện tử. Người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết. Người dân khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho cơ quan y tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, những ngày qua, trung bình thành phố ghi nhận 2.900 ca Covid-19/ngày. Dự báo số ca mắc sẽ tăng sau kỳ nghỉ Tết do sự giao lưu, giao thương của người dân dịp Tết lớn. Công tác phòng, chống dịch vẫn được tổ chức quyết liệt. Hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron nên Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó, theo dõi sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt đối với chuỗi lây nhiễm biến chủng này.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với tỷ lệ tiêm chủng phủ rộng (người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%) người dân về quê dịp Tết không phải cách ly y tế. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao nên người dân không nên lơ là, chủ quan mà cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1023705/tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-ve-don-tet