Tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được các chuyên gia môi trường đánh giá có nhiều đổi mới mang tính đột phá không chỉ cho công tác quản lý, mà còn tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tự nâng cao khả năng cạnh tranh, nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, có thể đi đường dài hơn trong quá trình hội nhập.

Giám đốc Công ty Luật TGS Nguyễn Văn Tuấn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam điều chỉnh các vấn đề về môi trường khá đầy đủ cả nội dung và hình thức, nhưng sau khi được tiếp cận Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho thấy những nội dung được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung rất chặt chẽ, tạo nên như bộ luật gốc trong lĩnh vực môi trường.

Cụ thể ngay tại Khoản 1, Điều 4 trong Luật Bảo vệ môi trường quy định về nguyên tắc bảo vệ môi trường đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân”. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng trong tình hình kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao như hiện nay, nhờ các chính sách mở cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, lớn mạnh của các doanh nghiệp. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy, công trình đã và đang mọc lên trên mọi miền đất nước. Vì vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp “then chốt” nhằm giải quyết áp lực về môi trường hiện nay. Đặc biệt, việc tham gia trực tiếp và tích cực của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường không chỉ có lợi cho sự bền vững lâu dài mà còn là nhu cầu cấp thiết trong việc kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp:

Thứ nhất, việc tích cực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp. Cùng với sự gia tăng nhận thức của xã hội, người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vào bảo vệ môi trường sẽ góp phần tạo ra sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính doanh nghiệp, đối với chính những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn.

Thứ hai, khi tham gia đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, nếu các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng góp phần bảo vệ môi trường có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên nhưng trong dài hạn thì sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu giảm, các chi phí liên quan đến pháp lý bảo vệ môi trường, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Chính vì vậy, trong dài hạn thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Hội thảo chia sẻ thông tin một số nội dung Luật về bảo vệ môi trường với doanh nghiệp

Hội thảo chia sẻ thông tin một số nội dung Luật về bảo vệ môi trường với doanh nghiệp

Thứ ba, việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về môi trường sẽ giúp doanh nghiệp không gặp rủi ro về pháp lý, thanh tra, kiểm tra và chế tài xử phạt. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính từ mức thấp nhất là vài chục triệu đồng đến mức cao nhất là 1 - 2 tỷ đồng nếu vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực tế, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt nặng, bị truy tố trách nhiệm hình sự do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn bị người tiêu dùng, toàn xã hội tẩy chay, lên án trước những hành vi vi phạm về môi trường.

Thứ tư, hiện nay tiêu chí phát triển bền vững kinh tế - môi trường đang được cân nhắc, xem xét và ưu tiên nhiều hơn trong chính sách pháp luật về môi trường, cũng như trong hợp tác - kinh doanh - kêu gọi đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và ưu thế trong hoạt động đầu tư, được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước.

Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường đã bổ sung những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường. Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường…

Rõ ràng, việc bảo vệ môi trường nói chung, trong đó đối với doanh nghiệp sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, vừa thể hiện tốt trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp đối với cộng đồng, đáp ứng được thị hiếu của thị trường: tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ từ các thương hiệu có hành động bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường được đầu tư và có kế hoạch dài hạn sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây sẽ là nền tảng bền vững để doanh nghiệp có thể đi đường dài hơn trong quá trình hội nhập.

Nhật Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tin-tuc1/tao-thuan-loi-de-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-i307207/