Tập hợp nguồn lực của trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích

Chiều 10-8, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tập hợp nguồn lực của trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Còn tâm lý trông chờ, ỷ lại

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) về việc di tích lịch sử xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận. Trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng là do địa phương sở tại quản lý.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) chất vấn.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) chất vấn.

Bộ trưởng cho biết, ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước.

Thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Dương Khắc Mai về việc không làm trẻ hóa, biến dạng di tích sau khi trùng tu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có vai trò thẩm định, xác định việc có xâm hại hay không xâm hại. Các nội dung khác trách nhiệm chính là địa phương. "Về các sai trái trước đây, Bộ cũng có chấn chỉnh để uốn nắn, sửa chữa. Nếu sai phạm lớn, Bộ sẽ đề nghị xử lý và phải có cam kết sẽ tu bổ trả về nguyên trạng. Nếu địa phương nào làm sai sẽ xử lý theo Luật Di sản và quy định hiện hành khác", Bộ trưởng nói.

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách nhà nước hằng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Đại biểu Huỳnh Điểu Sang (Đoàn Bình Phước) chất vấn.

Đại biểu Huỳnh Điểu Sang (Đoàn Bình Phước) chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Điểu Sang (Đoàn Bình Phước) về cơ chế thu hút cho đầu tư vào tôn tạo di tích, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những di tích văn hóa được doanh nghiệp quan tâm và tự tìm đến đầu tư khi họ thấy được lợi ích. Tuy nhiên, đối với những di tích như di tích lịch sử cách mạng thì doanh nghiệp chưa mặn mà lắm. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sẽ sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực Nhà nước, như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ để ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) chất vấn.

Xây dựng môi trường văn hóa rộng khắp

Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa do đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, văn hóa rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật. Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động… Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

Về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội được đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Giải trình thêm về vấn đề văn hóa học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác văn hóa học đường, từ đó tạo ra được sự chuyển biến về văn hóa trong học đường. Trong đó, Bộ trưởng cho rằng, việc tạo dựng các giá trị bao gồm phải thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

“Chúng tôi cũng sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học phù hợp trong tình hình mới; đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo; tập trung giáo dục kỹ năng ứng xử, phát triển thư viện trường học, văn hóa đọc... phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Từ đó từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, tạo ra thế hệ người Việt Nam có những phẩm chất lương thiện, nhân ái, trung thực...”, Bộ trưởng nói.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1039109/tap-hop-nguon-luc-cua-trung-uong-va-dia-phuong-de-chong-xuong-cap-cac-di-tich