Tập hợp những cố vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Để thúc đẩy khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi địa phương cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc xây dựng, tập hợp được đội ngũ cố vấn, mentor cho dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp là điều rất quan trọng.

Các học viên tham gia Khóa đào tạo Nâng cao năng lực xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương do Sở Khoa học và công nghệ Đồng Nai tổ chức trong tháng 6-2024. Ảnh: V.GIA

Các học viên tham gia Khóa đào tạo Nâng cao năng lực xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương do Sở Khoa học và công nghệ Đồng Nai tổ chức trong tháng 6-2024. Ảnh: V.GIA

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn nhất nước, nơi hình thành, phát triển một lượng lớn DN khởi nghiệp hàng năm, các địa phương trong vùng cũng rất tích cực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tập hợp đội ngũ cố vấn đáng tin cậy.

Những người truyền động lực

Người cố vấn là người truyền cảm hứng, hành trình khởi nghiệp có rất nhiều áp lực và trở ngại nên các chủ dự án khởi nghiệp dù có mạnh mẽ, tự tin và vững vàng tới đâu vẫn cần có người cố vấn.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture (tỉnh Bình Dương) Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, khi nói đến cố vấn, trước hết cần phải hiểu về tầm quan trọng và giá trị của đội ngũ cố vấn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhất là hiện nay, khi mentoring ở Việt Nam đã được kiểm chứng về cả hiệu quả và giá trị đối với nhiều DN.

Cố vấn khởi nghiệp lý tưởng nhất là doanh nhân giàu kinh nghiệm và có thành tích kinh doanh. Trong những năm qua, Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cố vấn khởi nghiệp. Các doanh nhân, chuyên gia tại các trường đại học với vai trò huấn luyện viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và định vị tầm nhìn đúng đắn cho các ý tưởng khởi nghiệp tiếp nối. Những doanh nhân đã, đang và sẽ gia nhập đào tạo kỹ năng cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và thậm chí là nhà đầu tư sáng lập (venture builder). Một cố vấn cao cấp luôn có mối quan hệ kinh doanh rộng khắp. Họ có thể giới thiệu cho dự án khởi nghiệp một số mối quan hệ nhằm giúp ý tưởng khởi nghiệp mở rộng mạng lưới quan hệ của mình.

Theo Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (thành phố Đà Nẵng) Lý Đình Quân, làm sao để DN ứng dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng đổi mới sáng tạo vào hoạt động, tạo động lực, tạo sự cạnh tranh là bài toán khó. Trong quá trình hình thành ý tưởng khởi nghiệp, phát triển DN rất cần người dẫn đường. Đội ngũ cố vấn khởi nghiệp chính là những người dẫn đường nhiều kinh nghiệm, giúp cho các DN khởi nghiệp tránh được sai sót bước đầu, có khả năng tồn tại và lớn lên, phát triển về sau.

Đối với Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, theo ông Huỳnh Thanh Vạn, đến cuối năm 2023, hội đồng có 69 thành viên, trong đó có 36 thành viên là doanh nhân, chủ các DN nên có nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ, hướng dẫn các dự án khởi nghiệp.

Nỗ lực xây đội ngũ cố vấn cho khởi nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm khởi nghiệp của cả nước, năm 2023, thành phố hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 2,5 ngàn DN; ươm tạo 308 dự án khởi nghiệp. Thành phố hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm; hơn 1,8 ngàn DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo... Dự kiến trong quý IV-2024, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi vào hoạt động, trở thành đầu mối kết nối, tổ chức các hoạt động, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây cũng là địa chỉ trung tâm, làm động lực hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở quận, huyện, viện, trường, DN và các địa phương kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đồng Nai, tỉnh đã thành lập Hội đồng Điều phối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Đồng thời, việc tập hợp, xây dựng đội ngũ cố vấn khởi nghiệp, đào tạo khởi nghiệp được coi trọng.

Để hoạt động khởi nghiệp phát triển bền vững, hình thành môi trường năng động và sáng tạo, Đồng Nai cần nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối, tạo thêm các diễn đàn, cầu nối về khởi nghiệp. Nói chung là tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Tương tự, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa xây dựng chương trình huấn luyện, cố vấn chuyên sâu “Tăng tốc khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh DN” với mô hình Một cố vấn chuyên gia kèm một DN.

Theo Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Duy Tâm Thanh, chương trình sẽ được thực hiện trong 5 tháng nhằm hỗ trợ các DN, cơ sở có sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh phát triển thị trường, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ. Qua đó, giúp DN đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thâm nhập thị trường. Sở sẽ kết nối một cố vấn chuyên gia có mô hình kinh doanh tương tự với DN, đang vận hành và kinh doanh DN vừa và nhỏ của mình hiệu quả.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202406/tap-hop-nhung-co-van-cho-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-0a65b71/