Tập huấn về giao dịch bảo đảm

TANDTC tổ chức khóa tập huấn về giao dịch bảo đảm giúp các Thẩm phán, cán bộ có chức danh tư pháp tìm hiểu sâu kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết tranh chấp giao dịch có bảo đảm, đặc biệt trong bối cảnh phá sản.

Khóa tập huấn với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), diễn ra trong các ngày 20-21/5 tại Hà Nội, và 23-24/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC chủ trì khóa tập huấn.

Với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế...; Thẩm phán, cán bộ Tòa án của 23 Tòa án khu vực phía Bắc và 20 Tòa án khu vực phía Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC phát biểu tại khóa tập huấn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC phát biểu tại khóa tập huấn.

Phát biểu tại khóa tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC cho biết, với bản chất hình thành từ các quan hệ dân sự, biện pháp bảo đảm được quy định trong hệ thống pháp luật dân sự chung. Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm của nước ta đã cơ bản cụ thể, bên cạnh đó, đã có 04 Án lệ về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh phá sản, một số Thẩm phán, cán bộ có chức danh tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là lĩnh vực này có tính phức tạp, đa dạng và dễ thay đổi.

Buổi tập huấn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết tranh chấp giao dịch có bảo đảm, đặc biệt trong bối cảnh phá sản.

Buổi tập huấn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết tranh chấp giao dịch có bảo đảm, đặc biệt trong bối cảnh phá sản.

Thẩm phán Nguyễn Hồng Nam cho rằng liên quan đến pháp luật về phá sản, một trong những yêu cầu chính trong Luật Phá sản hiện đại là phải cân bằng giữa thủ tục phục hồi và thủ tục thanh lý nhằm cứu vãn các doanh nghiệp con nợ có khả năng phục hồi ở mức cao nhất có thể, và thanh lý các doanh nghiệp không có khả năng phục hồi nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các chủ nợ.

Sự tham gia của chủ nợ có bảo đảm từ sớm vào quá trình thương lượng, soạn thảo và phê chuẩn phương án phục hồi vẫn chưa được đáp ứng tại Luật Phá sản 2014, thể hiện ở chỗ chưa có sự tách biệt rõ ràng giữa thủ tục phục hồi và thủ tục thanh lý, quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm trong quá trình thương lượng, xây dựng và phê chuẩn kế hoạch phục hồi chưa được quy định rõ ràng.

Cũng theo Thẩm phán Nguyễn Hồng Nam, trong việc giải quyết thủ tục phá sản thì việc xử lý tài sản đảm bảo là động sản luôn là mối quan tâm đặc biệt của cả người tiến hành thủ tục phá sản và người tham gia thủ tục phá sản.

"Do tính chất của loại tài sản có tính linh động cao, không cố định, khó kiểm kê, giám sát và đa dạng về hình thức. So sánh với tài sản đảm bảo là bất động sản thì tài sản là động sản lại dễ dàng lượng giá, dễ xử lý và chuyển giao hay thanh lý nhanh hơn. Nhưng cũng do tính linh động, không cố định này mà việc xử lý tài sản là động sản lại đòi hỏi nhiều kỹ năng, công sức của cả Thẩm phán, Quản tài viên, Chấp hành viên hơn trong vụ việc phá sản", Thẩm phán Nguyễn Hồng Nam nhận định.

Ông Thomas Jonhson, chuyên gia tư vấn IFC chia sẻ tại khóa tập huấn

Ông Thomas Jonhson, chuyên gia tư vấn IFC chia sẻ tại khóa tập huấn

Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Jingchang Lai, Chuyên gia trưởng, Trưởng Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính Châu Á và Thái Bình Dương, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính, Tổ chức tài chính quốc tế cho rằng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về giao dịch bảo đảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện hơn.

Theo ông Jingchang Lai, nếu trên thế giới, loại hình giao dịch bảo đảm được xác định dưới hình thức thống nhất thì tại Điều 292, Bộ Luật Dân sự của Việt Nam phân chia 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản.

Các đối tác, tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phá sản, trong đó có các chế định liên quan đến giao dịch bảo đảm, tài sản bảo đảm.

Chia sẻ của đại biểu tại buổi tập huấn.

Chia sẻ của đại biểu tại buổi tập huấn.

Ông Jingchang Lai khẳng định, với nỗ lực này, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là phía Ngân hàng sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, với các khoản vay được giải ngân nhanh chóng cho phía doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phía Ngân hàng cũng có niềm tin hơn trong việc xây dựng, triển khai các gói sản phẩm vay với nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn, thúc đẩy ngành tài chính tại Việt Nam phát triển.

Tại khóa tập huấn, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như các đại biểu đã chia sẻ và sôi nổi trao đổi về những quy định của Việt Nam về giao dịch bảo đảm liên quan tới động sản, thực tiễn khi xử lý các vụ tranh chấp giao dịch tài sản bảo đảm là động sản, thực trạng của Ngân hàng khi cơ cấu tài trợ thương mại và các loại hợp đồng sử dụng và tranh chấp có thể xảy ra, phạm vi và thiết lập quyền lợi được bảo đảm…

Kết thúc chuỗi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC Việt Nam đã gửi lời cảm ơn Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã đồng hành với TANDTC trong suốt thời gian qua, luôn nỗ lực cùng xây dựng một đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có năng lực để phát triển hệ thống Tòa án Việt Nam ngày một mạnh hơn, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, hội nhập và phát triển.

Đồng thời cũng gửi lời cảm ơn các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, ý kiến đóng góp quý báu giúp TANDTC thu thập được các thông tin hữu ích trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) sát thực tiễn hơn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/tap-huan-ve-giao-dich-bao-dam-432153.html