Tập trung các giải pháp để tăng trưởng nhanh và bền vững

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát vấn đề liên quan đến ý kiến của cử tri xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) về tình trạng sạt lở bờ sông Công do khai thác cát sỏi.

Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát vấn đề liên quan đến ý kiến của cử tri xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) về tình trạng sạt lở bờ sông Công do khai thác cát sỏi.

Trước hết, đồng chí có thể cho biết, công tác chuẩn bị cho Kỳ họp đã được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện như thế nào?

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét 44 báo cáo, tờ trình do Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp trình và dự kiến thông qua 28 dự thảo nghị quyết (NQ). Để nâng cao chất lượng Kỳ họp, công tác chuẩn bị tiếp tục được Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo đó, công tác tiếp xúc cử tri tiếp tục được đổi mới theo hướng gần dân, chất lượng, hiệu quả, chuyên sâu theo lĩnh vực; để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri từ cơ sở. Đặc biệt, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Công tác thẩm tra được tiến hành đảm bảo về tiến độ và chất lượng; các ban của HĐND tỉnh chủ động tiếp cận, nghiên cứu tài liệu ngay từ khi dự thảo; tăng cường khảo sát, thu thập thông tin từ thực tế để phục vụ và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra.

Chương trình Kỳ họp dự kiến tiếp tục được điều hành theo hướng giảm thời gian nghe đọc các báo cáo, tờ trình; tăng thời gian thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn…

Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Thái Nguyên.

Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Thái Nguyên.

Theo báo cáo trình HĐND tỉnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt thấp và dự báo khó hoàn thành kế hoạch năm 2023. Vậy, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với UBND tỉnh như thế nào trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm, thưa đồng chí?

Là địa phương có độ mở kinh tế lớn, Thái Nguyên chịu nhiều ảnh hưởng từ những biến động kinh tế thế giới và trong nước. Mặc dù 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 8,5% sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; phân tích, đánh giá, nhận diện những thuận lợi, khó khăn tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, thảo luận và quyết định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 theo NQ của HĐND tỉnh.

Để đồng hành với UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, thông qua 19 NQ. Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và dự kiến thông qua 28 NQ. Đây là những NQ quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội.

Kỳ họp thứ 13 dự kiến thông qua quy định mức chi đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đồng chí có thể thông tin thêm về nội dung này?

Đây là một trong số các NQ quy định về chế độ, chính sách đặc thù của tỉnh có tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý, tổ chức sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Theo nội dung dự thảo, mỗi tổ chức được hỗ trợ tối đa 2 người. Hàng tháng, ngoài mức lương do tổ chức kinh tế tập thể chi trả, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ thêm cho mỗi lao động trẻ, đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo quy định, bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hỗ trợ đến ngày 31/12/2025.

Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại đập Mà Cua, xã Cù Vân (Đại Từ) về việc cử tri đề nghị nạo vét công trình để lưu thông dòng chảy.

Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại đập Mà Cua, xã Cù Vân (Đại Từ) về việc cử tri đề nghị nạo vét công trình để lưu thông dòng chảy.

Một nội dung khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu và cử tri, đó là việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp. Sự cần thiết của các quy hoạch này đối với sự phát triển của tỉnh là gì, thưa đồng chí?

Tại thời điểm này, HĐND tỉnh thông qua các NQ về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 của 5 khu công nghiệp và công nghệ thông tin tập trung tại huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên là hết sức cần thiết, góp phần cụ thể hóa định hướng và đột phá phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hình thành các khu vực đồng bộ, hiện đại về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa của địa phương; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu lao động và đẩy nhanh tốc độ phát triển của tỉnh.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp của toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Qua nắm bắt thực tiễn tại cơ sở, vẫn còn tình trạng nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết một cách kịp thời, thỏa đáng. Nội dung này sẽ tiếp tục được HĐND tỉnh quan tâm thực hiện ra sao trong nửa nhiệm kỳ còn lại, thưa đồng chí?

Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền đã rất nỗ lực và trách nhiệm trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhưng đến nay vẫn còn 23 ý kiến, chiếm 32,7% trong tổng số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh chưa được giải quyết xong. Trong đó có một số ý kiến kéo dài qua nhiều kỳ họp.

Trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giám sát; chỉ đạo các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh duy trì theo dõi, đôn đốc và giám sát thường xuyên; khuyến khích các đại biểu HĐND tỉnh lựa chọn một số nội dung để chất vấn tại kỳ họp, phiên họp.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh phát huy hơn nữa vai trò của Tổ giúp việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; coi việc giải quyết các ý kiến là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Thêm vào đó, tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, kết hợp với đối thoại, để kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của cử tri, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/phong-van-doi-thoai/202307/tap-trung-cac-giai-phap-de-tang-truong-nhanh-va-ben-vung-74b5254/