Tập trung khắc phục các hạn chế trong IUU

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) được Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Trà Vinh chỉ đạo triển khai đến các địa phương, các chủ phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản trong việc phối hợp thực hiện cùng với các ngành chuyên môn.

Hải sản sau đánh bắt được đưa vào Cảng cá Định An để phân cỡ và vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Hải sản sau đánh bắt được đưa vào Cảng cá Định An để phân cỡ và vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Trà Vinh cho biết: tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian tới theo Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 5312/CĐ-BNN-KN, ngày 03/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Tập trung rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của tỉnh; hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá; cấp giấy phép khai thác thủy sản; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào tại cảng cá theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát (24/7) 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá; thực hiện đúng quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Hiện tại tỉnh Trà Vinh có 01 Cảng cá (Cảng cá Định An, thị trấn Định An, huyện Trà Cú) được chỉ định xác nhận nguyên liệu thủy sản xuất khẩu. Để nâng cao nhận thức và khắc phục các hạn chế trong khai thác, đánh bắt hải sản của các chủ phương tiện tàu đánh bắt hải sản, công tác vận động, tuyên truyền và giám sát, kiểm tra được tăng cường triển khai đến 100% phương tiện đánh bắt hải sản khi vào cập cảng tại Cảng cá Định An.

Đồng chí Nguyễn Thanh Thành, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá tỉnh cho biết: hiện nay, nhân viên cảng cá trực 24/24 và tiếp nhận, theo dõi các phương tiện ra vào cảng theo đúng các quy trình, hướng dẫn trong thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác IUU thuộc lĩnh vực mà cảng cá phụ trách và phối hợp với các đơn vị. Trong đó, thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (từ đầu năm 2023 đến nay) với 69 giấy xác nhận, với 1.592 tấn thủy sản.

Ghi nhận tại Cảng cá Định An, cho thấy trên 2/3 phương tiện ghe tàu vào cảng bốc dỡ hàng hóa đều từ ngoài tỉnh. Các sản phẩm đánh bắt chủ yếu là tiêu thụ nội địa như cá khoai, ghẹ, nục, lù đù, đối…

Thuyền trưởng Trần Văn Vàng, ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú cho biết: hiện đang phụ trách tàu dịch vụ vận chuyển sản phẩm sau đánh bắt từ 03 ghe cào chuyên khai thác hải sản vùng lộng của gia đình. Trung bình từ 04 - 05 ngày là có 01 chuyến chở hải sản vào cập Cảng cá Định An (sản lượng khoảng 40 tấn/chuyến) để cân cho các thương lái. Từ khi thực hiện các quy định trong khai báo sản lượng đánh bắt hải sản, các phương tiện đánh bắt tuân thủ rất tốt việc khai báo, ghi số liệu trong từng chuyến, trước khi cho tàu vào cảng.

Tổng số tàu cá đã đăng ký trong toàn tỉnh là 879 chiếc, trong đó, có 272 tàu có chiều dài từ 15m trở lên (25 tàu không còn hoạt động) và 607 tàu có chiều dài dưới 15m Trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ, giải pháp IUU; đến cuối tháng 8/2023, Trà Vinh đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 247/247 tàu cá đang hoạt động theo quy định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát tàu cá của địa phương hoạt động trên biển theo đúng quy định; đảm bảo ghi chép, lưu trữ thông tin tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU được phát hiện qua VMS để xử lý. Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 01 cảng cá và 241/247 tàu cá chiều dài 15m trở lên, đạt 97,19% cơ sở, tàu cá đang hoạt động.

Có thể thấy việc khai báo, cập nhật số liệu về sản lượng, chủng loại hải sản đánh bắt ngay trong từng mẻ lưới ở ngay trên biển được chủ tàu khai thác hải sản có bước trở bộ rất tốt, nhằm góp phần cùng với các đơn vị chức năng trong quản lý, theo dõi và cập nhật dữ liệu trong khai thác, nguồn gốc hải sản… Tuy nhiên một số chủ phương tiện khai thác hải sản trong vùng lộng, không khai thác xa bờ hay không đánh bắt tại các vùng tiếp giáp hải phận quốc tế cũng gặp không ít khó khăn.

Anh Trần Văn Bèo, ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: gia đình có 01 ghe đánh bắt hải sản (công suất 500CV), chủ yếu khai thác vùng lộng tiếp giáp các tỉnh Trà Vinh, Vũng Tàu… và thường cập cảng cá Định An để xuống hàng hóa sau đánh bắt. Do các đối tượng khai thác chủ yếu tiêu thụ nội địa, các sản phẩm tập trung như cá nục, cá mối, bạc má, mực, cá khoai… cho nên việc ghi sản lượng và phân loại từng chủng loại cá rất khó cho chủ tàu. Theo quy định, trước khi cho tàu vào cập cảng để xuống hàng; chủ tàu phải ghi đầy đủ số liệu (sản lượng, chủng loại…) trong mỗi lần đánh bắt vào sổ nhật ký…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tap-trung-khac-phuc-cac-han-che-trong-iuu-31771.html