Tập trung phòng, chống rét đậm, rét hại, bảo vệ cây trồng, vật nuôi

LTS: Từ đầu tháng 1 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra rét đậm, rét hại làm gần 400 con gia súc, trên 300 con gia cầm bị chết, tổng giá trị thiệt hại trên 5,2 tỷ đồng. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết trong các ngày tới tiếp tục rét đậm, rét hại, có thể có sương muối, băng giá ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng, vật nuôi. Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh kiểm tra việc phòng, chống rét cho gia súc của người dân tại xã Nà Nghịu (Sông Mã).

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh kiểm tra việc phòng, chống rét cho gia súc của người dân tại xã Nà Nghịu (Sông Mã).

PV: Ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các biện pháp phòng, chống đợt rét đậm, rét hại vừa qua như thế nào, thưa bà?

Bà Cầm Thị Phong: Mùa đông năm 2020-2021 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại có cường độ rất mạnh, kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 12/2020 đến nay, nhiệt độ phổ biến ở mức trung bình thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước; đặc biệt, từ đầu tháng 1có rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7℃-9℃, vùng núi cao 2℃-4℃, có nơi dưới 0℃ và một số xã vùng cao tại một số huyện có xảy ra băng giá và sương muối, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Thành lập đoàn công tác kiểm tra phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân, hộ chăn nuôi trên địa bàn các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm; che chắn chuồng trại, ủ chua thức ăn thô xanh bằng rơm, cỏ voi VA06, các sản phẩm phụ từ nông nghiệp cho đàn gia súc.

PV: Xin bà cho biết các loại cây trồng chính bị ảnh hưởng bởi đợt rét đậm, rét hại vừa qua và cách khắc phục?

Bà Cầm Thị Phong: Do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại trong mấy ngày qua, ở một số vùng núi cao, như Tà Xùa (Bắc Yên), Co Mạ (Thuận Châu) và một số xã của huyện Vân Hồ, Mộc Châu xuất hiện băng giá, sương muối gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Theo đánh giá ban đầu tại một số xã, băng giá làm một số diện tích cà phê, chè, cây ăn quả, rau màu bị ảnh hưởng. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, không được bón phân đạm; nên bón phân NPK, phân hữu cơ, các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng... để tăng khả năng phục hồi. Đối với diện tích cây trồng bị băng giá, sương muối cần tưới nước rửa lá vào buổi sáng để hạn chế mức độ thiệt hại. Đối với những vườn ươm dùng màng nilon che phủ, sau khi kết thúc đợt rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá cần thu lại, không nên để quá lâu gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính, làm cây trồng bị ảnh hưởng. Đối với cây công nghiệp, tùy vào mức độ bị ảnh hưởng của cây để có biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, không làm chết cây.

PV: Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi bởi rét đậm, rét hại, ngành Nông nghiệp có khuyến cáo gì với người dân, thưa bà?

Bà Cầm thị Phong: Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân nên sử dụng một số biện pháp để phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đối với cây trồng cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoai mục, phân NPK để cây trồng ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết. Đối với rau màu cần tưới nước đủ ẩm cho cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15oC; chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn hạt giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ cây trồng phù hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với tình hình thời tiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại băng giá gây ra.

Đối với sản xuất lúa vụ xuân, tuyệt đối không được gieo mạ, cấy lúa và bón phân đạm khi nhiệt độ dưới 15℃; khuyến cáo dùng nilon che phủ để gieo mạ sân, mạ khay, mạ trên nền đất cứng và thường xuyên tưới ẩm cho mạ, không nên để mạ bị khô hạn; đối với mạ gieo trên nền ruộng cấy cần phải đảm bảo luôn giữ nước mặt ruộng để giữ ấm cho mạ; cần chủ động chuẩn bị nguồn hạt giống lúa ngắn ngày để gieo bổ sung khi cần thiết.

Đối với vật nuôi, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo, không bị đọng nước; tăng cường các biện pháp chăm sóc, vỗ béo đàn gia súc để tăng sức đề kháng với đói rét và dịch bệnh. Những ngày giá rét, nhiệt độ dưới 15℃ không chăn thả hoặc bắt gia súc làm việc, mà nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp đủ thức ăn, nước uống có pha thêm muối, nước gừng và các loại vitamin giúp gia súc giữ thân nhiệt. Sử dụng chăn, bạt, bao tải làm áo khoác cho gia súc non. Đối với các hộ chăn nuôi tại các xã vùng sâu, vùng núi cao chưa có chuồng trại kiên cố, vận động nhân dân làm chuồng để di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, gia súc thả rông về nuôi nhốt. Dự trữ chất đốt để đốt sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối. Tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo đủ dinh dưỡng để đàn trâu, bò để chống rét và dịch bệnh. Những gia súc già yếu, con non cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh và giá rét.

PV: Xin cảm ơn bà

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tap-trung-phong-chong-ret-dam-ret-hai-bao-ve-cay-trong-vat-nuoi-36796