Tàu sân bay Trung Quốc có đủ sức đối trọng với 'pháo đài nổi' hạt nhân của Mỹ?

Báo New York Times ngày 17.7 cho biết, hải quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc diễn tập quy mô lớn trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6, với sự tham gia đồng thời của hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông tại vùng biển gần Nhật Bản và các khu vực lân cận.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai hai tàu sân bay cùng lúc vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất, một tuyến chiến lược kéo dài từ Okinawa đến Đài Loan, hướng về đảo Guam, nơi đặt căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ.

Theo Bộ Tham mưu Liên quân Nhật Bản, các cuộc diễn tập có tới 90 lượt cất hạ cánh máy bay mỗi ngày, với sự tháp tùng của nhiều tàu khu trục và tàu hộ vệ. Cơ quan này cũng cho biết một số tiêm kích Trung Quốc đã bay sát máy bay trinh sát Nhật Bản, gây lo ngại về mức độ an toàn.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố đây là hoạt động nhằm tăng cường khả năng “phòng thủ biển xa” và tổ chức “tác chiến liên hợp”. Tân Hoa Xã cho biết hai biên đội tàu sân bay đã tiến hành mô phỏng đối kháng chiến thuật trong khuôn khổ diễn tập.

Trung Quốc đang có những tàu sân bay nào?

Tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chính thức được biên chế vào năm 2012. Ban đầu là tàu Varyag thuộc lớp Kuznetsov của Liên Xô, con tàu được Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và cải tạo trong nhiều năm. Với chiều dài 304,5 mét và lượng giãn nước khoảng 60.000 tấn, Liêu Ninh có thể mang theo khoảng 40 máy bay, bao gồm 24 tiêm kích J-15 và các trực thăng Z-9, Z-18 phục vụ nhiệm vụ chống ngầm, cảnh báo sớm và cứu hộ.

Tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Weibo

Tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Weibo

Liêu Ninh sử dụng hệ thống cất cánh kiểu STOBAR, tức máy bay cất cánh bằng đường băng dạng "nhảy cầu" và hạ cánh bằng móc hãm, không có máy phóng như các tàu sân bay hiện đại của Mỹ. Với thủy thủ đoàn khoảng 2.000 người, con tàu chủ yếu được sử dụng cho mục đích huấn luyện và thử nghiệm công nghệ, đồng thời đóng vai trò biểu tượng cho tham vọng mở rộng năng lực hải quân của Trung Quốc.

Tàu sân bay Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của Hải quân Trung Quốc, đồng thời là chiếc đầu tiên do nước này tự đóng mới. Tàu được biên chế vào tháng 12.2019 tại cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam. Dựa trên thiết kế tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô và kế thừa mô hình STOBAR như Liêu Ninh, Sơn Đông được cải tiến đáng kể về khả năng vận hành, hệ thống radar, không gian chứa nhiên liệu và đạn dược.

Tàu sân bay Sơn Đông - Ảnh: Reuters

Tàu sân bay Sơn Đông - Ảnh: Reuters

Tàu dài khoảng 300 mét, lượng giãn nước khoảng 70.000 tấn, sử dụng động cơ tua-bin hơi đốt dầu và đường băng kiểu "nhảy cầu" để máy bay cất cánh. Sơn Đông có thể mang theo 30–40 máy bay, chủ yếu là tiêm kích J-15 cùng trực thăng Z-8 và Z-9 phục vụ các nhiệm vụ tác chiến đa dạng. Với khả năng triển khai khoảng 36 máy bay chiến đấu, con tàu cho thấy bước tiến về năng lực tác chiến và tổ chức hoạt động xa bờ của Trung Quốc.

Sơn Đông hiện chủ yếu hoạt động khu vực Tây Thái Bình Dương. Bên cạnh vai trò huấn luyện, tàu còn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, thể hiện rõ tham vọng nâng cao vị thế hải quân của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, so với các tàu sân bay Mỹ sử dụng công nghệ phóng máy bay tiên tiến và động cơ hạt nhân, Sơn Đông vẫn còn một khoảng cách đáng kể về công nghệ và hiệu suất tác chiến.

Tàu sân bay Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của hải quân Trung Quốc, là bước nhảy vọt trong tham vọng hải quân của nước này. Hạ thủy ngày 17.6.2022 tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo hoàn toàn, thuộc lớp Type 003.

Tàu sân bay Phúc Kiến - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Tàu sân bay Phúc Kiến - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Với lượng giãn nước hơn 80.000 tấn, dài khoảng 316m, tàu Phúc Kiến được trang bị hệ thống phóng điện từ (EMALS) tiên tiến, tương tự tàu lớp Gerald R. Ford của Mỹ, cho phép phóng các máy bay nặng như J-15T, J-35 tàng hình, và KJ-600 AEW&C với tải trọng lớn và hiệu quả cao hơn so với hệ thống nhảy cầu (STOBAR) của Liêu Ninh và Sơn Đông. Phúc Kiến bắt đầu thử nghiệm trên biển từ tháng 5.2024, với lần thử thứ 8 vào tháng 5.2025, và dự kiến biên chế cuối năm 2025, đánh dấu kỷ nguyên “ba tàu sân bay” của Trung Quốc.

Ưu thế trên biển

Hiện tại, ba tàu sân bay của Trung Quốc đều sử dụng động cơ diesel, trong khi hải quân Mỹ đang vận hành 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, loại hình cho phép hoạt động liên tục trong thời gian dài và ở khoảng cách xa hơn.

Nhằm thu hẹp khoảng cách này, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tổng số tàu sân bay lên sáu chiếc vào năm 2040, trong đó ít nhất một tàu dự kiến sử dụng động cơ hạt nhân. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng năng lực tác chiến xa bờ của nước này.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ - Ảnh: Reuters

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ - Ảnh: Reuters

Sự phát triển của lực lượng tàu sân bay góp phần củng cố chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD), qua đó giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi giám sát trên biển, bảo vệ các lợi ích hàng hải cũng như tạo đối trọng với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ.

Theo Giáo sư Narushige Michishita từ Viện nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản, tàu sân bay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các tuyến vận tải biển trọng yếu về cả quân sự lẫn thương mại trong khu vực.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc sở hữu nhiều tàu sân bay chưa đồng nghĩa với ưu thế tuyệt đối trên biển. Ông Timothy Heath, chuyên gia tại tập đoàn RAND, nhận định rằng các tàu sân bay Trung Quốc có thể hỗ trợ triển khai sức mạnh quân sự ở phạm vi toàn cầu, nhất là trên các tuyến hàng hải chiến lược nối liền Trung Quốc với Trung Đông qua Ấn Độ Dương. Dù vậy, ông cũng cảnh báo rằng các tàu này vẫn dễ bị tổn thương trước các loại vũ khí như tên lửa hành trình hoặc ngư lôi nếu xảy ra xung đột thực tế.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc xem hiện đại hóa hải quân là một trong những ưu tiên dài hạn. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của lực lượng hải quân trong việc nâng cao vị thế quốc gia. Việc triển khai đồng thời hai tàu sân bay ra vùng biển xa được coi là một bước đi thể hiện rõ quyết tâm mở rộng ảnh hưởng và tăng cường hiện diện quân sự ngoài phạm vi lãnh hải truyền thống.

Dù còn khoảng cách đáng kể với hải quân Mỹ về số lượng, công nghệ và kinh nghiệm vận hành, lực lượng tàu sân bay Trung Quốc đang phát triển theo hướng ổn định và có chiến lược. Sự gia tăng năng lực này được đánh giá là sẽ tạo ra những biến số mới, có thể ảnh hưởng đến cán cân an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tau-san-bay-trung-quoc-co-du-suc-doi-trong-voi-phao-dai-noi-hat-nhan-cua-my-235112.html