Tây Ninh: Nhà máy tinh bột sắn hướng tới sản xuất xanh

Công ty TNHH Nông nghiệp Quốc tế Hiệp Phát, chuyên sản xuất tinh bột khoai mì tại tỉnh Tây Ninh, vừa ký thỏa thuận dài hạn với TotalEnergies để cung cấp hệ thống quang điện mặt trời (PV) công suất đỉnh 2,1MWp cho cả nhà máy và văn phòng công ty.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự kiến với hơn 3.600 tấm pin được lắp đặt, hệ thống PV sẽ tạo ra khoảng 3.250MWh điện tái tạo hàng năm, cung cấp năng lượng xanh cho khoảng 20% tổng mức tiêu thụ điện của công ty, giúp Hiệp Phát tiết kiệm đáng kể chi phí.

Đồng thời, hệ thống PV này có thể giúp Công ty Hiệp Phát giảm khoảng 2.200 tấn khí thải carbon mỗi năm, tương đương với loại bỏ khí thải của 440 xe ô tô khỏi lưu thông hay tương đương với việc trồng hơn 33.000 cây xanh.

Công ty Hiệp Phát cũng có kế hoạch trồng cây bên dưới các tấm PV, bao gồm cả thảo dược hữu cơ làm thức ăn để nuôi gà và phát triển hoạt động kinh doanh nông nghiệp khác.

Đây là hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt đất và năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp đầu tiên do TotalEnergies thực hiện tại Việt Nam.

Công ty TNHH Nông nghiệp Quốc tế Hiệp Phát ký kết hợp tác dài hạn với TotalEnergies để lắp đặt và vận hành hệ thống quang điện mặt trời. Ảnh: TotalEnergies

Công ty TNHH Nông nghiệp Quốc tế Hiệp Phát ký kết hợp tác dài hạn với TotalEnergies để lắp đặt và vận hành hệ thống quang điện mặt trời. Ảnh: TotalEnergies

Theo thỏa thuận, TotalEnergies sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí, lắp đặt và vận hành hệ thống PV trong khi Hiệp Phát sẽ thanh toán tiền điện được tạo ra trong 20 năm, tránh mọi chi phí trả trước.

Ông Nguyễn Thành An, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Quốc tế Hiệp Phát cho biết: “Tôi đã nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời từ lâu và mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo trong nhà máy của chúng tôi để giảm lượng khí thải carbon và tác động đến môi trường”.

Ông Elodie Renaud, Giám đốc TotalEnergies Renewables Distributed Generation Asia cho biết: “Dự án này mang tính chiến lược đối với TotalEnergies vì đây là dự án PV nông nghiệp đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Đây là dự án kiểu mẫu trong phân khúc này và thị trường có khả năng mở rộng cao”.

Tây Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất và chế biến tinh bột mì hiện nay. Nhà máy của Hiệp Phát tại Tây Ninh đang sử dụng hệ thống sản xuất theo công nghệ Đức đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng với công suất trung bình 150 tấn tinh bột khô/ngày, tương đương 40.000 tấn sản phẩm/năm.

Công ty Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tại tỉnh tích cực hướng tới sản xuất xanh với nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, bên cạnh việc sử dụng các máy móc sản xuất công nghệ mới, dùng năng lượng sạch, công ty đã đầu tư 2 hầm Biogas và hệ thống xử lý nước thải hậu Biogas với những thiết bị hiện đại để phục vụ công tác xử lý nước thải, bùn thải tốt nhất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Như một phần trong tham vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, TotalEnergies đang xây dựng một danh mục các hoạt động trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo. Vào cuối quý 2 năm 2023, công suất lắp đặt sản xuất điện tái tạo tổng thể của TotalEnergies là 19 GW.

Trong chiến lược phát triển của công ty, TotalEnergies sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh này để đạt 35GW công suất sản xuất tổng thể từ các nguồn tái tạo và lưu trữ vào năm 2025, và sau đó là 100 GW vào năm 2030 với mục tiêu trở thành một trong 5 nhà sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời hàng đầu thế giới.

Tại Việt Nam, tháng 9 vừa qua, TotalEnergies cũng đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt Hệ thống điện mặt trời mái nhà 1 MWp tại hai nhà máy sản xuất của Công ty TNHH PREMO Việt Nam ở tỉnh Quảng Nam. Hệ thống PV này bao gồm 1.700 tấm pin, sản xuất khoảng 1.350MWh điện sạch mỗi năm, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu cho các nhà máy của PREMO Việt Nam.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tay-ninh-nha-may-tinh-bot-san-huong-toi-san-xuat-xanh-post28466.html