Tây Ninh vận hành ổn định mô hình chính quyền hai cấp ngay từ ngày đầu
Ngày 01/7 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính tại tỉnh Tây Ninh khi 96 xã, phường trên địa bàn chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cần Giuộc triển khai cuộc họp đầu tiên
Đúng 7 giờ 30 ngày 01/7, bộ máy chính quyền tại các xã, phường trong tỉnh bắt đầu ngày làm việc đầu tiên theo mô hình mới. Tại xã Cần Giuộc, không khí làm việc diễn ra khẩn trương và nghiêm túc.
Cán bộ, công chức có mặt đầy đủ, triển khai ngay các nội dung trọng tâm như tổ chức hội nghị quán triệt, trao quyết định bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn và đơn vị trực thuộc.

Bí thư Đảng ủy xã Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn quán triệt các nhiệm vụ cho chính quyền cấp xã mới
Bí thư Đảng ủy xã Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn cho biết, ngay trong buổi sáng đầu tiên, Đảng ủy, HĐND và UBND xã đã khẩn trương tổ chức các cuộc họp cần thiết, thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc và trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ. Chính quyền mới cam kết hoạt động theo phương châm 'gần dân, sát cơ sở, lấy người dân làm trung tâm phục vụ'.
Tại xã Đức Lập, công tác chuẩn bị cho ngày đầu vận hành mô hình mới cũng được thực hiện chu đáo từ trước. Hồ sơ, trang thiết bị, dữ liệu hành chính được bàn giao đầy đủ, đồng bộ từ cấp huyện về xã. Điều này giúp bộ máy vận hành thông suốt, không bị gián đoạn.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Lập – Lê Huy Toàn (áo trắng) kiểm tra thực tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả công an xã
Bí thư Đảng ủy xã Đức Lập – Lê Huy Toàn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chủ động về cơ sở vật chất, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân. Thường vụ Đảng ủy cũng luôn có mặt để kiểm tra, động viên cán bộ, công chức trong giai đoạn chuyển tiếp”.
Không chỉ ở các xã, tại phường Trảng Bàng – nơi có lượng giao dịch hành chính cao, hoạt động tiếp dân và xử lý thủ tục vẫn diễn ra trật tự, đúng quy trình. Cán bộ hướng dẫn tận tình, linh hoạt hỗ trợ người dân thích nghi với cách làm mới.
Đến nộp hồ sơ thủ tục đất đai, ông Tống Văn Để (phường Trảng Bàng) rất hài lòng với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. “Dù mới ngày đầu hoạt động, thế nhưng công chức, viên chức ở Trung tâm phục vụ hành chính công phường hỗ trợ chúng tôi rất tận tình. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao việc triển khai bộ thủ tục phi địa giới hành chính, giúp tôi có thể nộp hồ sơ bất cứ nơi đâu trong tỉnh” - ông Để cho biết.

Nguời dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trảng Bàng nộp hồ sơ
Theo ghi nhận, công tác chuyển giao, kiện toàn bộ máy, bố trí cán bộ và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương trong tỉnh đều được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính được tăng cường, góp phần tạo nền tảng cho một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Lãnh đạo xã Đức Lập kiểm tra hoạt động làm việc của công chức tại chính quyền cấp xã mới
Ngay trong ngày đầu triển khai, không xảy ra tình trạng lúng túng hay ách tắc tại bất kỳ địa phương nào. Điều này cho thấy sự quyết tâm, chủ động của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền phục vụ, hướng đến người dân.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân lực đến cơ sở vật chất, tỉnh Tây Ninh đã có bước khởi đầu suôn sẻ trong việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là bước chuyển mạnh mẽ nhằm xây dựng nền hành chính số, hiện đại, gần dân hơn – đúng với tinh thần cải cách hành chính toàn diện mà tỉnh đang hướng tới./.