Tên anh hóa thành bất tử

Năm 1972, trong chuyến chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, 'tàu không số' mang mật danh 645, do chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy bị địch phát hiện, tấn công. Trong lúc gian nguy, anh yêu cầu tất cả thủy thủ nhảy xuống biển, bơi ra xa, còn mình ở lại, điểm hỏa cho tàu nổ tung cùng với tàu địch. Sự hy sinh cao đẹp, sáng ngời lý tưởng cách mạng của anh đã hóa thành bất tử…

Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu sinh năm 1932 tại xã Thắng Phương (Thăng Bình, Quảng Nam). Năm 1954, anh tập kết ra Bắc, công tác ở Đoàn tàu đánh cá Hạ Long (Hải Phòng). Đến năm 1962, anh trở thành chiến sĩ hải quân, được biên chế vào Đoàn 125, Bộ tư lệnh Hải quân và rồi trở thành sĩ quan, giữ chức chính trị viên, kiêm bí thư chi bộ tàu 645. Anh cùng đồng đội thực hiện thành công 13 chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đến chuyến thứ 14, tàu 645 hai lần nhổ neo ra khơi, song đều bị tàu địch theo dõi nên đành quay lại.

 Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể về sự hy sinh quả cảm của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh: TIẾN DŨNG

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể về sự hy sinh quả cảm của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ngày 12-4-1972, tàu 645 ra khơi lần thứ ba. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với bão tố và sự phong tỏa của địch, các anh đã mưu trí tránh né. Đến ngày 23-4, tàu 645 đến tọa độ chuyển hướng vào bờ, chỉ còn cách đảo Phú Quốc chừng 60 hải lý. Tất cả đang háo hức nghĩ tới giây phút gặp lại đồng chí, đồng bào tại bến, thì vào lúc 17 giờ tàu nhận được điện báo: “Bến động, tàu quay ra chờ đợi”. Trong lúc cán bộ, thủy thủ đang chuẩn bị quay ra thì gặp một tàu khu trục của Mỹ từ Vịnh Thái Lan đi tới. Chúng đánh tín hiệu hỏi: “Tàu từ đâu đến và đi đâu?”. Tàu 645 trả lời: “Tàu từ Trung Quốc xuống, chúng tôi bị lạc!”. Tàu khu trục địch bắn hàng loạt pháo sáng lên trời. Chính trị viên Hiệu quan sát thấy ở phía trước còn có 3 tàu địch nữa. Linh tính mách bảo với anh, địch đã phát hiện ra tàu ta. Để tránh đụng độ, thuyền trưởng Lê Hà ra lệnh tàu tăng tốc độ chạy ra vùng biển quốc tế. Lúc này, chiếc khu trục 4 cũng tăng tốc, bám sát tàu 645 với ý đồ bắt sống. Các tàu còn lại của địch thay nhau “vờn” tàu ta.

Chúng dùng loa dụ hàng, anh em trên tàu lờ đi như không biết gì và động viên nhau giữ vững ý chí chiến đấu. Thấy gọi hàng không có kết quả, lính ngụy trên tàu liền bắn dọa, nhưng tất cả các cỡ đạn chúng bắn đều rơi trước mũi tàu ta. Biết không còn giữ được bí mật, thuyền trưởng Lê Hà chỉ huy tàu 645 bất ngờ cho các loại súng 12,7mm, B40, B41 đồng loạt nhả đạn về phía tàu địch. Tàu ta vừa đánh trả quyết liệt vừa cơ động vào gần bờ. Lúc này một số đồng chí của ta bị thương nặng. Một quả đạn lớn của địch trúng vào xích lái, tàu không còn điều khiển được nữa, cứ chạy vòng tròn. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đến các vị trí động viên tinh thần anh em. Anh đề nghị thuyền trưởng Lê Hà tổ chức cho anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hỏa bộc phá hủy tàu rồi sẽ rời tàu sau cùng.

Chiến sĩ lái tàu Thẩm Hồng Lăng cũng nấn ná, đòi ở lại điểm hỏa với chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu. Ánh mắt người chính trị viên vốn bình thường đầy nghiêm khắc, sao lúc này bỗng dịu dàng thân thương đến lạ kỳ. Anh nói với chiến sĩ Lăng, nửa như ra lệnh, nửa như khẩn khoản: “Em còn trẻ, còn cống hiến cho cách mạng dài lâu… Anh đã có vợ con, em chưa có người yêu, hãy sống đến ngày chiến thắng. Thôi, nghe anh! Em nhảy xuống biển bơi cùng đồng đội đi...”.

Đứng trên mạn tàu, nhìn về hướng đồng đội đang dìu nhau bơi dưới nước, Nguyễn Văn Hiệu dùng tay làm loa gọi lên: “Các đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi!”. Dứt lời, anh quay vào buồng lái, đôi mắt căm hờn khi nhìn thấy tàu địch đang đến gần và biết chắc đồng đội đã ở khoảng cách an toàn, anh điểm nổ. Con tàu phát ra tiếng nổ long trời, tung lên cột nước trắng xóa, cao hàng chục mét… Chính trị viên tàu 645 đã ra đi như thế!

Với hành động quả cảm, thanh thản đón nhận hy sinh để bảo toàn tính mạng cho đồng đội, Trung úy Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 16 cán bộ, thủy thủ còn lại của tàu 645 đều bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, các anh mới được trao trả tự do.

Tháng 5-2004, tôi ra Hải Phòng thăm gia đình và thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Trong khung cảnh bùi ngùi, xúc động, tôi gặp cháu Nguyễn Văn Phương, con trai anh Hiệu đang công tác tại Công an TP Hải Phòng. Cùng đi với tôi còn có anh Lê Hà, nguyên thuyền trưởng tàu 645-nhân chứng lịch sử. Tôi vui mừng, phấn khởi khi thấy chị Phạm Thị Vi (vợ anh Hiệu) mạnh khỏe, các con anh trưởng thành. Anh đã thanh thản ra đi để đồng đội của mình được sống, trở về đoàn tụ cùng gia đình. Sự hy sinh vô cùng cao thượng của anh tiếp thêm sức mạnh cho những người thủy thủ kiên cường vượt biển, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tấm gương sáng ngời lý tưởng cách mạng của anh lại thắp sáng niềm tin cho thế hệ trẻ, những người lính biển chắc tay súng, vững tay lái, sẵn sàng ra khơi bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Anh ngã xuống giữa lòng biển xanh, nhưng tên anh đã hóa thành bất tử!

TÙNG LÂM

Ghi theo lời kể của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ten-anh-hoa-thanh-bat-tu-603125