Tết Việt, dùng hàng Việt

Còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền Quý Mão 2023 của dân tộc, cùng với đảm bảo hàng hóa dồi dào thì các mặt hàng mang thương hiệu Việt vẫn chiếm tỉ lệ cao tại các siêu thị, chợ, điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh. Thương hiệu hàng Việt đã 'chinh phục' người tiêu dùng từ thành thị tới thôn quê, từ miền xuôi lên miền ngược không chỉ về số lượng mà còn được người tiêu dùng chấp nhận một cách tích cực…

Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam trong mỗi giỏ quà Tết của gia đình

Tại siêu thị VinCom, điều dễ dàng nhận thấy, việc trưng bày hàng hóa trong siêu thị được thay đổi, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết được ưu tiên xếp ở những vị trí bắt mắt, với số lượng lớn. Sản phẩm khá phong phú từ các loại hàng bình dân, hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình cho đến những sản phẩm cao cấp, đa dạng, phong phú về mẫu mã, chất lượng… với nhiều chương trình kích cầu hàng Việt như khuyến mại, phiếu mua hàng giảm giá… Những hoạt động trên đều hướng tới việc đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng tốt nhất, giá rẻ nhưng chất lượng lại không thua kém hàng ngoại trong dịp Tết này.

Ngoài các mặt hàng của các công ty lớn trong nước, người tiêu dùng trong tỉnh còn lựa chọn những sản phẩm tại địa phương như: Gạo nếp Quạ đen ở xã Thắng Sơn huyện Thanh Sơn, nếp Gà gáy ở xã Mỹ Lung huyện Yên Lập, mỳ gạo Hùng Lô, mỳ gạo rau của quả của HTX Vĩnh Lại, măng gầy khô Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, mít sấy Thanh Thủy, gà cựa, lợn lửng Tân Sơn, bánh kẹo thị xã Phú Thọ, bánh chưng Cẩm Khê, Hùng Lô cùng các loại trái cây của các địa phương trong và ngoài tỉnh như cam, bưởi, quýt…, trong đó có nhiều sản phẩm của tỉnh được công nhận OCOP.

Cùng với các mặt hàng trong nước, người tiêu dùng cũng đang hướng tới các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của các địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lan (khu Hùng Vương, phường Gia Cẩm) chia sẻ: “Gia đình tôi thường lựa chọn những mặt hàng mang thương hiệu Việt, trong đó có nhiều sản vật được sản xuất trong tỉnh, hành động của tôi mong góp một phần nhỏ bé vào kích cầu hàng tiêu dùng nội địa”.

Hiện nay, tại thành phố Việt Trì có nhiều địa điểm bán các sản phẩm OCOP như gian hàng của Hội nông dân tỉnh, các gian hàng tại chợ Trung tâm, gian hàng OCOP Sở Công thương… Các mặt hàng bày bán phong phú, nhiều chủng loại không những ở trong tỉnh và có cả một số mặt hàng ở tỉnh ngoài như: Sơn La, Thanh Hóa, Điện Biên…

Đến thời điểm này, tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh và các cửa hàng tiện lợi đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng tết, tập trung vào các loại bánh mứt kẹo, thực phẩm, đồ uống; trong đó trên 90% hàng hóa là của các nhà sản xuất trong nước. Bà Nguyễn Thị Khanh - tiểu thương bán bánh, kẹo ở chợ Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: “Hàng hóa phục vụ Tết đã được gia đình đặt các nhà phân phối cách đây một tháng, tập kết về và bắt đầu cung ứng cho bà con. Đến thời điểm này, lượng hàng hóa bán ra đã bắt đầu tăng dần…”.

Nếp Quạ đen đã được đưa vào siêu thị Phú Cường

Ở các phiên chợ bán lẻ hàng Việt, điểm cung ứng đến người dân, nhất là chợ vùng sâu, vùng xa của huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn… đến thời điểm này, nhiều mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, ga, muối i ốt, gạo, bánh kẹo… phục vụ cho người dân cũng đã được nhiều đại lý, nhà phân phối… chuẩn bị đầy đủ. Hàng bánh mứt kẹo do các công ty Việt Nam sản xuất có giá bán phù hợp, mẫu mã đẹp, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp xuất hiện nhiều tại các quầy hàng và chợ, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn…

Đánh giá chung, đến thời điểm này, thị trường hàng Tết năm nay giá cả các mặt hàng khá ổn định, hàng hóa trong nước có hình thức, mẫu mã đẹp và chiếm lĩnh được thị trường, nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Các phiên chợ bán lẻ hàng Việt, các siêu thị, nhà phân phối đã chủ động đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, chưa có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tết đến Xuân về, người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt vì chất lượng, giá cả phù hợp và trên tinh thần “Tết Việt dùng hàng Việt”.

Phương Uyên

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/tet-viet-dung-hang-viet/190328.htm