Thác Bản Giốc - 'dải lụa trắng' ở vùng phên dậu của Tổ quốc

Nhắc đến tỉnh Cao Bằng là nói đến quê hương cách mạng, nơi một thời là cơ quan đầu não của của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp oai hùng. Và ở vùng phên dậu của Tổ quốc này còn có thắng cảnh thác Bản Giốc, một trong bốn thác nước đẹp nhất nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Với dòng nước quanh năm tung bọt trắng xóa đã tạo nên một 'dải lụa trắng' giữa núi non hoang sơ, hùng vỹ.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - một trong mười thác nước đẹp nhất thế giới.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - một trong mười thác nước đẹp nhất thế giới.

Lần đầu tiên, chúng tôi có dịp được tận mắt ngắm nhìn một tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng ở nơi địa đầu của Tổ quốc – thác Bản Giốc. Thắng cảnh này nằm ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy (huyện Trung Khánh), cách TP Cao Bằng khoảng 90 km. Sau khoảng 2 giờ di chuyển trên con đường nhựa ngoằn nghèo đặc trưng của vùng miền núi, đi qua các bản làng yên bình, thác Bản Giốc hiện ra như một dải lụa trắng mềm mại giữa núi non trùng điệp. Từ Trạm Biên phòng Thác Bản Giốc vào đến thác Bản Giốc khoảng 500 mét. Từ xa, những dòng nước đổ xuống trắng xóa, với tiền cảnh là những thửa ruộng bậc thang, còn hậu cảnh là những dãy núi trùng điệp, mờ ảo trong làn hơi nước bay lên. Hai bên đường vào thác Bản Giốc, những sản vật của mảnh đất Cao Bằng được bà con bày bán, một khu bán hàng được xây dựng kiên cố để phục vụ du khách khi đến thưởng lãm 1 trong 10 thác nước đẹp nhất thế giới này.

Đại úy Đỗ Ngọc Hảo, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Thác Bản Giốc chia sẻ: Thác Bản Giốc nằm trên dòng sông Quây Sơn, một con sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Khi chảy đến khu vực Bản Giốc, con sông chia thành 2 nhánh và hạ thấp độ cao, tạo thành thác Bản Giốc. Với cảnh sắc kỳ vỹ, từ lâu, thác Bản Giốc đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, chính vì lẽ đó mà công tác cắm mốc biên giới tại con thác này gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2001, mốc biên giới đầu tiên được cắm trên thực địa nhưng phải đến tận ngày 14/1/2009 mới cắm được cột mốc ở chân thác, phía Việt Nam là cột mốc 836 (2), còn Trung Quốc là cột mốc 836 (1). Đây là cột mốc được cắm cuối cùng ở biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi phân giới xong toàn tuyến biên giới đất liền, chính phủ hai nước đã ký 3 Hiệp định để quản lý địa giới. Riêng ở khu vực thác Bản Giốc, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên).

Với những Hiệp định được ký kết, ngày nay, thác Bản Giốc ngày ngày khoe sắc trắng ngần đầy yên bình, là điều kiện thuận lợi để du khách đến tham quan. Ngay ở khu vực chân thác có một tấm bảng khổ lớn in sơ đồ nhận biết đường biên giới khu vực thác Bản Giốc. Theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 1999), phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, còn phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao khoảng 70m, sâu 60m và rộng 300m, chia thành 3 tầng gồm nhiều thác lớn, nhỏ khác nhau. Còn thác phụ cao khoảng 70m, dù lượng nước chảy ít hơn nhưng trông cũng khá kỳ vỹ. Chị Thanh, một người bán hàng tại thác Bản Giốc cho biết: Tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian lý tưởng nhất để đến tham quan thác, bởi lúc này, lượng nước chảy vào thác lớn nhất, lại vào mùa bà con đang thu hoạch lúa chín. Dù không phải đến tham quan vào thời điểm lý tưởng như chị Thanh nói, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy choáng ngợp trước vè đẹp kỳ vỹ, hoang sơ ở thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á này.

Ở vùng phên dậu này, ngoài thác nước kỳ vỹ, du khách còn có thể tham quan, vãn cảnh ở chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Ngôi chùa được khởi công xây dựng vào năm 2013, trên diện tích 3 ha, tựa vào núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m, có hướng chính nhìn ra toàn cảnh thác Bản Giốc. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở phía Bắc biên cương của Tổ quốc.

Lần đầu đến thác Bản Giốc, chúng tôi không chỉ ấn tượng trước một thắng cảnh độc đáo, kỳ vỹ mà còn thấy tự hào về ý chí, quyết tâm của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/130769/thac-ban-gioc-dai-lua-trang-o-vung-phen-dau-cua-to-quoc.htm