Thái Thanh - một giọng hát diễm tuyệt

Trong nền tân nhạc, bà đứng ở vị trí của giọng ca số một với những diễm tuyệt, lộng lẫy, không ai có thể thay thế. Tiếng hát của bà được ví như pho sử sống, ngân giữa trời xanh.

Giọng hát vượt thời gian của danh ca Thái Thanh Thái Thanh từng được coi là "đệ nhất danh ca" của thể loại nhạc tiền chiến và nhạc tình (1954-1975). Cố nghệ sĩ được biết đến qua nhiều nhạc phẩm của tác giả Phạm Duy.

Sáng 18/3, giờ Việt Nam, tin Thái Thanh qua đời được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Những dòng cảm tưởng, những sự tri ân từ giới âm nhạc mỗi lúc một nhiều.

Nhưng có lẽ chung nhất là cảm giác tiếc nuối cho sự ra đi của giọng ca được mệnh danh là “số một” của nền tân nhạc, dù vẫn biết rằng sức khỏe của bà đã yếu suốt nhiều năm nay và cũng hơn chừng ấy năm, tiếng hát Thái Thanh chỉ còn trong băng đĩa.

 Thái Thanh được mệnh danh là đệ nhất danh ca của nền tân nhạc.

Thái Thanh được mệnh danh là đệ nhất danh ca của nền tân nhạc.

Ngọn hải đăng

Thái Thanh, trong sự nghiệp âm nhạc, đã nhận về không thể kể hết những mỹ miều ca tụng từ khán giả và cả những định danh, công nhận, tôn vinh của người trong nghề.

Khánh Ly gọi bà là “ngọn hải đăng” của đời mình, còn Lệ Thu - “giọng ca vàng mười” của tân nhạc - quả quyết: “Chúng tôi không là giọng ca vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi”.

Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu – cả ba đều nổi tiếng, đều là những giọng ca lẫy lừng bậc nhất của tân nhạc, với những sắc vị riêng, những thanh âm riêng. Nhưng như chính sự công nhận của hai danh ca còn lại: Nếu phải xếp ở vị trí số một, chỉ có Thái Thanh là xứng đáng.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội, Thái Thanh hát từ năm 14 tuổi. Giọng hát ấy trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử. Bà đặc biệt nổi tiếng từ những năm 1950 và trở thành một trong những giọng ca tầm cỡ nhất suốt nhiều năm sau đó, được đông đảo giai tầng mến mộ.

Bà xuất hiện trên khắp các chương trình ca nhạc, truyền hình, phát thanh, đồng thời cũng có những băng đĩa được yêu thích bậc nhất.

Tiếng hát Thái Thanh gắn bó đặc biệt với nhạc của Phạm Duy, cũng là anh rể của bà. Bà được coi là người hát nhạc Phạm Duy hay nhất, với đầy đủ những tình tự của quê hương, tình yêu, số phận, kiếp người.

Phạm Duy gọi bà là “một giọng hát diễm tuyệt” với tất cả hạnh phúc và khổ đau, trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng.

 Thái Thanh đặc biệt thành công với âm nhạc của Phạm Duy.

Thái Thanh đặc biệt thành công với âm nhạc của Phạm Duy.

Tiếng hát của Thái Thanh như chính câu hát của Phạm Duy mà bà đã nhiều lần cất lên: “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Tiếng hát có mọi dư vị của đời người, có đủ hỷ nộ ái ố. Tiếng hát mà khi trầm khi bổng, khi cao khi thấp, khi buông khi nắm, khi rắn khi mềm đều có hấp lực đối với người nghe.

Nhà phê bình Thụy Khuê từng nhận định: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu trời xanh tiếng hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang”.

Tiếng hát, suy cho cùng, rất khó để lặp lại, rất khó để có lần thứ hai.

Có một không hai

Tân nhạc không hiếm những giọng hát “trời cho ai nấy hưởng” nhưng đạt đến độ diễm tuyệt như Thái Thanh thì không nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng Thái Thanh hát không theo bất cứ một quy chuẩn thanh nhạc nào vì bà đã vượt qua cả những khuôn mẫu thông thường. Tiếng hát Thái Thanh là sự kết hợp của Đông Tây kim cổ, của những tinh tế, dân dã phương Đông, với những lộng lẫy, hào sảng phương Tây.

Sở hữu giọng soprano (nữ cao), ở những nốt cao, giọng Thái Thanh mảnh và nhỏ như sợi chỉ nhưng trải dài, không đứt. Bà có cách phát âm, nhả chữ riêng biệt và đẹp đến mê hồn khiến người nghe có cảm giác như mỗi âm mà nữ danh ca phát ra là sản phẩm của một quá trình chuyển động của toàn bộ khoang miệng.

Đặc biệt, trong giọng hát của Thái Thanh có thể nhận ra những âm sắc rất Việt, được chắc lọc từ quan họ, chèo, ca trù và cả một số thể loại âm nhạc dân gian khác. Thái Thanh có cái e hiếm có của chèo, đôi khi có những đổ hột của ca trù và đặc biệt cũng thấp thoáng kỹ thuật “vàng, rền, nền, nảy” đặc trưng của quan họ miền Kinh Bắc.

Một tiếng hát qua băng đĩa đã chinh phục lòng người nhưng hát với dàn nhạc giao hưởng đậm chất Tây Phương cũng vẫn tỏa sáng theo cách riêng, huy hoàng theo cách riêng.

 Thái Thanh và ái nữ Ý Lan.

Thái Thanh và ái nữ Ý Lan.

Thái Thanh đóng đinh tên mình với nhiều ca khúc như Tình ca, Dòng sông xanh, Nửa hồn thương đau, Nghìn trùng xa cách, Tình hoài hương, Ngày xưa Hoàng Thị, Con đường cái quan, Kiếp nào có yêu nhau…

Từ những tác phẩm trường ca lớp lang nhất đến nhất đến những khúc nhạc tình day dứt như Kiếp nào có yêu nhau, từ những Tuổi 13 tưng tửng, hồn nhiên đến những tiếng ru ngọt ngào, đau đáu… đều không thể làm khó được bà.

Trên mạng vẫn còn clip Thái Thanh hát Tuổi 13 khi tóc đã bạc trắng mà nụ cười và giọng hát vẫn là tiêu điểm của người nghe, vẫn trẻ trung một cách kỳ lạ.

Thái Thanh ra đi nhưng tiếng hát của bà như đóa hoa còn ở lại. Một tiếng hát của hạnh phúc và của cả những giận hờn khôn nguôi.

Một tiếng hát vừa có những nhung nhớ của mảnh tình xa xôi vừa có những chân phương, gây gũi như tình hiện tại.

Một tiếng hát của quá khứ và của cả những mộng đẹp ngày mai.

Một tiếng hát “lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta”, sống mãi và còn mãi.

Quang Đức

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thai-thanh-mot-giong-hat-diem-tuyet-post1061011.html