Thâm canh cây đậu xanh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị vừa tổng kết mô hình nhân rộng CSA thâm canh cây đậu xanh vụ hè thu tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Đây là một trong những nội dung thực hành nhân rộng mô hình CSA thuộc hợp phần 3 của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) Quảng Trị.

 Nông dân Vĩnh Giang thu hoạch đậu xanh

Nông dân Vĩnh Giang thu hoạch đậu xanh

Ông Lê Chẩn, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Giang kiêm Giám đốc HTX Cổ Mỹ cho biết, có 320 hộ thuộc 2 HTX Tân Mỹ và Cổ Mỹ tham gia mô hình sản xuất trên diện tích 45 ha. Đây là diện tích ruộng lúa không chủ động nước tưới nên chuyển sang làm đậu xanh cho hiệu quả rõ rệt. Đậu xanh là cây dễ tính, rất thích hợp đất thịt nhẹ, đất phù sa, có khả năng chịu hạn, song chịu úng kém. Vì vậy, khi làm đất biện pháp kĩ thuật lên luống là bắt buộc. Tùy theo địa thế để lên luống rộng, hẹp, cao hoặc thấp, đặc biệt các chân đất không bằng phẳng cần đào rãnh thoát nước. Đối với chân đất thoát nước tốt, luống có chiều rộng khoảng 2,5- 3m, cao 20- 25cm; chân đất thoát nước kém lên luống rộng 1m, cao 30- 40cm. Lên luống xong rạch hàng sâu 10- 12cm, hàng cách hàng 30- 40cm, bón phân lấp đất rồi gieo hạt. Chú ý không gieo hạt trực tiếp lên phân. Khi gieo áp dụng phương pháp sạ hàng, hàng cách hàng 30- 40cm, cây cách cây 18- 20 cm với lượng giống 20kg/ha, gieo 2- 3 hạt/hốc, đậu mọc đều tỉa bớt cây, để 1- 2 cây/hốc, đảm bảo đạt số lượng khoảng 25 cây/m2 . Việc sử dụng giống đậu tằm Vĩnh Giang để gieo, giống cấp xác nhận là một lợi thế vì đây là giống đậu có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Lê Chẩn, cây đậu xanh có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 60 ngày cho thu hoạch, nên các hộ dân được hướng dẫn chủ yếu tập trung bón lót cho cây. Khi bón lót cần trộn phân hữu cơ vi sinh và lân super. Bón vôi bột khi bừa đất lần cuối, không trộn lẫn vôi bột với các loại phân khác. Khi cây có 1-2 lá bắt đầu bón thúc lần một, kết hợp xới đất nhẹ. Cây sinh trưởng đến 4-5 lá, cần bón thúc lần hai, vãi đều giữa 2 hàng đậu kết hợp xới, vun gốc cao chống đổ.

Ngoài yếu tố chất lượng giống, kĩ thuật làm đất, chăm bón thì một điều kiện quan trọng nữa để đạt năng suất cao là cần đảm bảo độ ẩm đất trong suốt quá trình phát triển của cây, đặc biệt vào giai đoạn đậu xanh ra hoa, đậu quả. Nếu đất khô hạn, cần tưới đất đủ ẩm trước khi gieo hạt. Với các lần tưới tiếp theo căn cứ vào điều kiện thời tiết, độ ẩm và giai đoạn sinh trưởng của cây đậu xanh để quyết định thời gian tưới. Sử dụng phương thức tưới thấm thông qua rãnh hoặc tưới phun mưa áp lực thấp. Các biện pháp tưới cần đáp ứng hai tiêu chí là vừa cung cấp đủ nước cho cây đậu xanh và vừa phải tiết kiệm lượng nước tưới.

Đến thời gian cho thu hoạch, vỏ quả đậu chuyển từ màu xanh sang màu nâu đen. Do đậu thường ra hoa không đồng loạt nên thu hoạch nhiều lần, thường thì thu hoạch 2-3 đợt, khi chín thì thu hoạch ngay, không thu hoạch vào lúc trời nắng gắt buổi trưa vì quả dễ nứt và tách hạt. Thu hoạch xong phải mang đậu phơi 3- 4 nắng, nếu dùng làm thương phẩm thì đo độ ẩm có thể 13% là mức tốt nhất, còn làm giống thì phải đảm bảo theo quy chuẩn.

Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh Lê Hiền Lương cho biết, qua tổng kết vụ hè thu vừa rồi cho thấy ruộng mô hình có các chỉ tiêu sinh trưởng cao hơn ruộng đại trà, do được gieo với mật độ hợp lí, tận dụng triệt để dinh dưỡng trong đất. Ruộng mô hình bón phân đầy đủ và cân đối tỉ lệ NPK, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, nên cây phát triển nhanh và khỏe hơn ruộng đại trà. Ruộng mô hình bón đạm vàng giúp bổ sung cho cây theo đúng nhu cầu, hạn chế được sự rửa trôi hay bốc hơi hơn so với đạm thường, cây đậu giữ màu xanh suốt vụ. Áp dụng phòng trừ sâu, bệnh theo phương pháp quản lí dịch hại tổng hợp nên đã giảm được số lần phun thuốc trên đồng ruộng, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu gồm sâu ăn gây hại với mật độ thấp. Ngoài ra, các đối tượng khác như bệnh lở cổ rễ, bệnh đốm lá, sâu đục quả gây hại rải rác. Theo tính toán, chi phí vật tư ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 186.000 đồng /sào, tương ứng với 3.720.000 đồng/ha. Ruộng mô hình có số quả/cây, số hạt/quả cao hơn ruộng đại trà, đây là các chỉ số quan trọng góp phần tăng năng suất. Vì vậy lợi nhuận kinh tế ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 1.409.000 đồng/sào, tương ứng với 28,1 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phan Thị Liên cho biết, đậu xanh Vĩnh Giang đã trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể Vĩnh Linh với tiêu chuẩn chất lượng đạt 3 sao. Hiện xã Vĩnh Giang đang tiếp tục từng bước hoàn thiện sản phẩm, phấn đấu đưa thương hiệu “Đậu xanh Vĩnh Giang” đạt tiêu chuẩn chất lượng 5 sao, có uy tín, sức cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Từ đó thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần tăng giá trị sản xuất, phát triển kinh tế địa phương bền vững. Vậy nên đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng mô hình CSA cây đậu xanh trên đại trà, nhằm mở rộng đối tượng tham gia, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương đánh giá, mục tiêu của dự án này là cải thiện sản xuất nông nghiệp có tưới nhằm nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lí thủy lợi, theo định hướng chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thực hiện quy trình thâm canh cây đậu xanh theo mô hình CSA đã mang lại hiệu quả cao so với phương thức sản xuất truyền thống; tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cán bộ địa phương và người dân thấy được những hiệu ích thiết thực mang lại từ mô hình như phương thức tổ chức sản xuất hợp lí, cơ giới hóa sản xuất, hệ thống tưới tiêu đồng bộ. Từ đó, mở rộng áp dụng mô hình cho các vùng sản xuất khác ở địa phương và các vùng lân cận.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144325