Thăm dinh Sơn Trung

Là di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của huyện Châu Thành (An Giang), dinh Sơn Trung có giá trị tín ngưỡng to lớn cùng tiềm năng du lịch. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, thể hiện truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm của cha ông xưa, với câu chuyện liên quan đến người anh hùng dân tộc Quản cơ Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa.

Những công trình kiến trúc độc đáo trong khuôn viên dinh Sơn Trung

Dọc theo những con đường láng nhựa của xã Vĩnh An, tôi đến dinh Sơn Trung trong một buổi sáng mát dịu. Ngoài đồng, mùa lúa đã gặt xong chỉ để lại những gốc rạ thơm mùi của đất. Qua một chiếc cầu bê-tông kiên cố, tôi nhìn thấy cánh cổng dinh Sơn Trung với kiến trúc đẹp mắt. Chạy xe thêm chừng 100m đường nhựa nữa, tôi mới đến dinh Sơn Trung, nơi phụng thờ Quản cơ Trần Văn Thành. Quả thật, giữa cánh đồng bao la xuất hiện những công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật cao, bao giờ cũng tạo được điểm nhấn đặc biệt và dinh Sơn Trung thực sự mang vẻ đẹp riêng.

Sau khi gửi xe miễn phí, tôi được Ban Quản lý dinh Sơn Trung chào đón nồng nhiệt. Bên ấm trà muộn, câu chuyện về dinh Sơn Trung và cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa chống thực dân Pháp xâm lược của Quản cơ Trần Văn Thành trở nên sống động qua lời kể của ông Nguyễn Văn Sanh (thành viên Bản Quản lý dinh Sơn Trung), người có hơn 20 năm gắn bó với di tích lịch sử - văn hóa này.

Ban Quản lý dinh và người dân phụng thờ, hương khói

“Đức Cố Quản là quan của triều Nguyễn, đã từng đánh thắng giặc Xiêm La, giặc Thủy Chân Lạp nên được phong chức Quản cơ, cai quản 500 binh lính. Khi Pháp xâm lược 3 tỉnh miền Tây khi đó là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, ngài không chấp nhận sự bạc nhược của triều đình, cùng với những sĩ phu yêu nước, như: Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương dấy binh, xây dựng căn cứ chống Pháp. Năm 1868, ngài chọn khu vực Láng Linh - Bảy Thưa làm nơi xây dựng đồn Hưng Trung rồi mộ binh, nạp lương để làm kế chiến đấu lâu dài với giặc Pháp. Đồn Hưng Trung xưa nằm ngay vị trí dinh Sơn Trung ngày nay” - ông Nguyễn Văn Sanh kể lại.

Nói về dinh Sơn Trung, ông Sanh khẳng định công trình văn hóa - lịch sử này trải qua 3 lần trùng tu vào các năm 1939, 1946 và năm 2004 mới trở nên khang trang, to đẹp như ngày nay. Trước dinh Sơn Trung, người ta xây dựng bức tượng Quản cơ Trần Văn Thành trong tư thế chuẩn bị rút gươm, sẵn sàng xung trận như mang khí thế hào hùng của đội Binh Gia Nghị năm xưa đến với lớp cháu con ngày nay. Khu chánh điện của dinh là bàn thờ người anh hùng dân tộc được bày trí trang trọng, thể hiện sự thành kính biết ơn của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền nhân.

Hình ảnh Đức Cố Quản tuốt gươm xung trận trước dinh Sơn Trung

Trong tiếng chuông ngân vang trầm mặc, du khách lần lượt thắp hương cầu nguyện Đức Cố Quản phù hộ cho gia đạo an vui, cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Xung quanh chánh điện là những bức tranh thể hiện các sự kiện chính liên quan đến cuộc đời của người anh hùng dân tộc, từ lúc tham gia đánh quân Xiêm năm 1840 cho đến cuộc quyết chiến với quân Pháp tại đại đồn Hưng Trung vào năm 1873.

Dẫn tôi đi tham quan, ông Nguyễn Văn Sanh huyên thuyên kể lại những câu chuyện liên quan đến quá trình hình thành dinh Sơn Trung. Nào là nơi thờ vị đại điền chủ Lê Quốc Lập ở Chợ Mới đến đây xây dựng dinh Hưng Trung lần đầu tiên vào năm 1939, rồi đến những di vật liên quan đến Đức Cố Quản như mũi chiếc ghe lường có từ thời ngài lập đồn Hưng Trung. Ông Sanh cho biết thêm, tên dinh Hưng Trung được đổi thành dinh Sơn Trung trong lần trùng tu thứ 2 vào năm 1946, với sự cố vấn từ Đức ông Huỳnh Công Bộ của Phật giáo Hòa Hảo.

“Di vật khiến nhiều người ấn tượng nhất chính là 2 thanh gươm của ngài. Thanh gươm khá nặng và dài nên không nhiều người cầm nổi. Điều này chứng minh Đức Cố Quản hẳn là người cao lớn, có sức khỏe tuyệt vời. Các thế hệ vẫn truyền miệng nhau về dáng người cao to, quắc thước cùng tư chất thông minh của người thủ lĩnh đội Binh Gia Nghị năm xưa. Bởi đạo đức và uy danh của mình, Đức Cố Quản thu nạp lực lượng nghĩa binh dưới trướng lên đến hàng ngàn người” - ông Nguyễn Văn Sanh tiếp lời.

Ngoài khu chánh điện, dinh Sơn Trung còn có các điểm tham quan khác như: cầu long - phụng với ngụ ý nhắc nhở về truyền thống “con rồng cháu tiên” của dân tộc Việt Nam, đền tờ Tổ quốc với bàn thờ Bác Hồ. Đặc biệt, còn có di tích tái hiện lò rèn là nơi đúc gươm giáo, vũ khí cho nghĩa binh đánh giặc. Hình ảnh những nghĩa binh rèn đúc vũ khí dường như cũng phảng phất cái hào khí đánh Tây của cha ông ngày trước, thà chết chứ không cam chịu mất nước.

Trong không gian xanh mát, dinh Sơn Trung với hàng loạt công trình kiến trúc hiện lên nổi bật giữa ruộng đồng. Trong đó, đền thờ bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ của Quản cơ Trần Văn Thành, cũng đã trở thành điểm nhấn tạo ấn tượng đặc biệt đối với du khách khi đến với di tích lịch sử - văn hóa này.

Dù cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa không thành công nhưng tinh thần yêu nước của Đức Cố Quản và đội Binh Gia Nghị sẽ luôn là niềm tự hào cho thế hệ hôm nay. Những người giữ gìn di tích lịch sử - văn hóa dinh Sơn Trung sẽ luôn bảo tồn, phát huy những giá trị tâm linh cũng như công đức của Đức Quản cơ Trần Văn Thành, để du khách gần xa hiểu rõ hơn về chí khí của người anh hùng dân tộc và đội Binh Gia Nghị năm nào.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tham-dinh-son-trung-a300613.html