Thầm lặng cùng những 'chuyến đò đặc biệt'

Chúng tôi đến ngôi trường ấy vào giờ nghỉ giữa buổi sáng. Bước qua cánh cổng trường luôn được khóa rất cẩn thận, quang cảnh, không khí bên trong thật khác với nhiều ngôi trường chúng tôi từng đến. Những lớp học không chỉ có phấn trắng, bảng đen, bàn ghế được sắp xếp không theo trật tự thông thường; phòng chức năng với các loại máy móc như ở trung tâm chăm sóc sức khỏe; lớp học nghề sôi nổi, ngập màu sắc của hoa lá, vật liệu trang trí. Và cả những ánh mắt thân thương, nụ cười trìu mến của các cô bé, cậu bé học trò như thay lời chào vì không thể sử dụng ngôn ngữ, âm thanh… Đây là nơi học tập, mái ấm chung của những 'vành trăng khuyết', cũng là gia đình thứ hai của những người thầy, người cô đặc biệt.

 Cô giáo Cao Thị Yên bên các em học sinh khuyết tật trong giờ thực hành sản xuất hoa từ vật liệu đất sét và giấy

Cô giáo Cao Thị Yên bên các em học sinh khuyết tật trong giờ thực hành sản xuất hoa từ vật liệu đất sét và giấy

Gần 20 năm gắn bó với học sinh khuyết tật

Năm 1992, Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị được thành lập. Đang công tác tốt tại một trường tiểu học trên địa bàn, nhưng với nhiệt huyết của một giáo viên trẻ muốn cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, khi được đề nghị chuyển công tác đến Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị, cô giáo Cao Thị Yên (sinh năm 1968), một người con của quê hương Vĩnh Giang, Vĩnh Linh đã không ngần ngại đồng ý thuyên chuyển công tác, trở thành thế hệ giáo viên đầu tiên góp sức xây dựng nên Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị. Xác định đang lựa chọn một ngã rẽ gian nan, song thực sự, thời gian đầu nhận nhiệm vụ giảng dạy cho trẻ em khuyết tật, cô Yên phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách. Dạy trẻ em đã khó, dạy trẻ em khuyết tật khó hơn gấp bội. Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị nhận chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ em khuyết tật đến từ khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi em một độ tuổi, mỗi hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nhưng đều mắc một hoặc một vài dạng khuyết tật, như câm điếc bẩm sinh, khiếm thị, tăng động, hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ. Có nhiều em còn nhỏ, chưa biết viết, đọc, thậm chí chưa biết đi vệ sinh, khó kiểm soát được ý thức, nếu không có sự định hướng kịp thời sẽ dễ dẫn đến triệu chứng mặc cảm, tự ti, tự kỉ. Chưa được đào tạo chuyên ngành liên quan đến học sinh khuyết tật, cô giáo Yên bắt đầu lại mọi thứ.

Cô vừa dạy vừa học, tranh thủ mượn thêm tài liệu nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đang giảng dạy tại các trường khuyết tật; xin theo học các khóa, lớp tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng cho trẻ khuyết tật. Đồng thời thường xuyên gặp gỡ, trao đổi cùng gia đình các em học sinh để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tình trạng sức khỏe của các em. Trong quá trình giảng dạy, cô Yên vừa làm cô, vừa làm mẹ, vừa đóng vai trò của một chuyên gia tâm lí, dạy học bằng cả sự tận tâm, tình thương và trái tim nhân ái, đồng cảm. Cô kiên trì theo sát từng học sinh để đưa ra giáo án giảng dạy phù hợp, phương pháp khoa học, hiệu quả nhằm truyền tải kiến thức, dạy dỗ các em sao cho học sinh vừa học, vừa chơi, vừa phục hồi chức năng. Cứ vậy, từng bước đi, con chữ cũng như sự tiến bộ về kĩ năng của học sinh khuyết tật đều có sự đồng hành của cô giáo Yên. Những nỗ lực vượt bậc trong nghề nhanh chóng giúp cô Yên không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc việc dạy học và chủ nhiệm. Cô Yên được tín nhiệm cử làm Tổ trưởng Tổ Khiếm thính của trường.

Đến năm 2014, cô Yên được đề bạt giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị. Với kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng chuyên biệt, hiểu rõ những vất vả, hi sinh không thể nói hết thành lời, trong vai trò quản lí, cô Yên luôn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa nhiệt huyết với nghề giúp nhiều giáo viên, đặc biệt lớp giáo viên trẻ thêm hiểu, nắm vững nhiệm vụ chính của nhà trường là nuôi và dạy học sinh khuyết tật, đảm bảo cho các cháu được chăm sóc đầy đủ về mặt sức khỏe, phát triển về mặt thể chất, tinh thần, từ đó có những sáng tạo và ngày thêm yêu nghề. Trên khung chương trình chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, cô Yên cùng ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh khuyết tật; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phát huy sự hứng thú trong học tập của học sinh, tạo sự tin yêu, khuyến khích các em học tập, rèn luyện kĩ năng sống giúp các em phát triển toàn diện. Những cố gắng không mệt mỏi của cô giáo Yên đã cùng tập thể Ban giám hiệu Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị góp phần quan trọng đưa chất lượng giáo dục hòa nhập ngày càng nâng cao, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm học 2018- 2019 vừa qua, chất lượng học tập của học sinh toàn trường: Tốt đạt tỉ lệ 65%; đạt chiếm 31,3%. Về năng lực: Tốt 48,2%; đạt 48,2%. Về phục hồi chức năng: Tốt 67,4%; đạt 29%.

Nỗ lực chăm lo đời sống cho những số phận kém may mắn

Tiếng trống báo hiệu hết thời gian học buổi sáng vang lên, tạm gác lại câu chuyện, cô Yên mời chúng tôi tham quan khu nhà ở, bếp ăn tập thể của nhà trường. Cô Yên cho biết, phần lớn học sinh đều ăn ở nội trú tại trường. Nhìn nơi nghỉ ngơi ấm áp, gọn gàng; những phần cơm trưa đầy đủ chất dinh dưỡng được các cô bảo mẫu chuẩn bị chu đáo càng cảm nhận rõ hơn tình yêu thương của các thầy giáo, cô giáo nơi đây dành cho những người con trong gia đình thứ hai này. “Để đảm bảo được đời sống cho các em học sinh, không chỉ ban giám hiệu nhà trường mà mỗi thầy, cô giáo đều cùng chung tay, góp sức vì các chế độ chỉ dành cho học sinh cấp tiểu học. Lên đến cấp THCS, từ học phí, chi phí sinh hoạt phụ huynh phải lo liệu. Song hầu hết gia đình các em đều có hoàn cảnh chật vật, có gia đình cả 2 người con đều bị khuyết tật theo học tại trường nên để duy trì việc học rất khó khăn, việc chăm lo cho con em còn hạn chế. Riêng năm học 2019- 2020, trong tổng số 135 học sinh toàn trường, có đến gần 30% các em thuộc diện gia đình hộ nghèo, cận nghèo. Chính vì vậy cán bộ, giáo viên nhà trường luôn cố gắng san sẻ, giúp đỡ các em bằng cách tự đóng góp và chủ động kêu gọi, vận động các nguồn hỗ trợ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật”, cô Yên tâm sự.

Đáng mừng, với tinh thần tương thân tương ái, những thư ngỏ, lời kêu gọi vận động của cô giáo Yên cùng đồng nghiệp đều nhận phản hồi tích cực, khơi dậy truyền thống đoàn kết, nhân ái cũng như tinh thần, trách nhiệm để nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã trực tiếp đến thăm, có những hành động thiết thực cùng nhà trường chăm sóc trẻ em khuyết tật. Từ các nguồn vận động này, mỗi năm hàng trăm học sinh khuyết tật đã được nhận học bổng; trợ cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt. Nhiều tổ chức trong và ngoài nước còn thường xuyên hỗ trợ nhà trường đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới phòng học, phòng chức năng; mua sắm trang thiết bị, máy giặt, máy điều hòa, máy trị liệu…giúp nhà trường dần bổ sung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có thêm điều kiện chăm lo cho học sinh. Không chỉ mang giá trị lớn về mặt vật chất, những sự giúp đỡ từ khắp mọi nơi còn có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm của cả cộng đồng cùng dành tình yêu thương, xoa dịu những thiệt thòi mà trẻ em kém may mắn phải gánh chịu, tiếp thêm động lực để các em tiến bộ mỗi ngày và từng bước hòa nhập cộng đồng.

Mở cánh cửa tương lai

Gắn bó với học sinh khuyết tật, luôn hi vọng các em có thể trở thành người có ích, không phải gánh nặng của gia đình, xã hội nên ngoài dạy văn hóa, chăm lo đời sống, cô Yên cùng Ban giám hiệu Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị rất trăn trở với công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho học sinh khuyết tật sau khi ra trường. Các thầy cô tích cực tìm hiểu, tham mưu UBND tỉnh, Sở Lao độngThương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh ngay tại trường. Ngoài nghề may mặc cơ bản được đào tạo mang lại hiệu quả từ trước, những năm gần đây, nhà trường đưa thêm các ngành nghề mới vào hướng nghiệp, dạy nghề, gồm: Tin học, sản xuất hoa từ vật liệu đất sét và giấy; làm hương nhằm đa dạng hóa ngành nghề cho học sinh theo học. Thực tế cho thấy, dù nghề nào, sau thời gian học tập với sự giảng dạy, hướng dẫn tận tình, bắt tay chỉ việc từ đội ngũ giáo viên cùng sự cố gắng hết mình của bản thân, các em học sinh đã nhanh chóng nắm vững kiến thức về lí thuyết; hình thành kĩ năng thực hành thành thạo để sản xuất ra các sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng. Cô Yên cùng các thầy cô giáo còn đứng ra kết nối, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các em để những số phận thiệt thòi thực sự tìm thấy niềm vui trong lao động, phát huy khả năng của bản thân, khơi dậy ước mơ về tương lai tươi sáng. Sau học nghề tại trường, hầu hết các em đều ý thức rèn luyện nâng cao tay nghề. Chính vì vậy, các em được cộng đồng, nhiều doanh nghiệp đón nhận, tạo cơ hội việc làm bằng chính sức lao động của bản thân mình. Như đối với nghề may mặc cơ bản, hiện có trên 70 học sinh nhà trường đang làm việc tại Công ty may Hòa Thọ- một doanh nghiệp lớn trên lĩnh vực may mặc. Riêng các sản phẩm hoa, hương do học sinh nhà trường sản xuất đều được thị trường đón nhận. Tất cả đã minh chứng cho những phấn đấu bền bỉ của thầy và trò Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị trong suốt thời gian qua.

Hạnh phúc của mỗi nhà giáo là khi chứng kiến các thế hệ học sinh khôn lớn và trưởng thành. Niềm vui này càng được nhân lên đối với cô giáo Cao Thị Yên cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Trẻ em khuyết tật Quảng Trị, bởi các cô, các thầy đang từng ngày từng giờ tận tậm, tận lực cùng những “ chuyến đò đặc biệt”.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143979