Thâm niên trung bình của tài xế gây tai nạn là 8,8 năm

Thông tin từ Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, trong số 16 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng 6 tháng đầu năm 2020, thâm niên trung bình của tài xế gây tai nạn là 8,8 năm và độ tuổi trung bình là 35,9 tuổi.

Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Bình ngày 26/7. Ảnh: TL

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để lại thiệt hại lớn về người và của. Nguyên nhân đa phần đến từ lỗi chủ quan của lái xe, vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Thống kê trong số 16 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2020 có 21 tài xế thâm niên hành nghề trung bình là 8,8 năm. Độ tuổi trung bình của người lái xe gây tai nạn là 35,9 tuổi.

Về hạng Giấy phép lái xe (GPLX) có 4 người hạng B1, B2; 7 người GPLX hạng C; 7 người có GPLX hạng E và 3 người có GPLX hạng FC.

Đặc biệt tính riêng trong tháng 7 vừa qua, toàn quốc đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết đã rà soát, thống kê quá trình đào tạo, sát hạch và sử dụng GPLX của người điều khiển xe cơ giới.

Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông đến từ việc lái xe chủ quan, thiếu kỹ năng và vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Trong 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gần đây có 3 vụ liên quan đến xe khách, 3 vụ xảy ra vào khung giờ ban đêm. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cần có sự vào cuộc đồng bộ để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đặc biệt hiện nay quy định tài xế điều khiển phương tiện không quá 4 tiếng liên tục cho cả khung giờ ban ngày và ban đêm đã bộc những bất cập thể hiện qua việc các vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều vào khung giờ ban đêm. Vì vậy cần phải thay đổi, giảm thời gian lái xe liên tục xuống để tài xế đảm bảo sức khỏe, đủ tỉnh táo điều khiển phương tiện.

Giảm thời gian làm việc liên tục đối với lái xe đường dài. Ảnh minh họa

Về phía lái xe cần nâng cao kỹ năng, ý thức trách nhiệm đối với công việc mình đang làm:“Trước mặt là sinh mạng con người, sau tay lái là gia đình, vợ con”. Các nhà xe, đơn vị vận tải cần tăng cường quản lý và bố trí thời gian làm việc hợp lý cho đội ngũ lái xe.

Kiên quyết chấm dứt hợp đồng với lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy điều khiển phương tiện và hạn chế việc khoán trắng cho lái xe. Các đơn vị vận tải cần chấm dứt tình trạng “khoán trắng” hay “ép doanh số” để bù thua lỗ khiến tài cho tài xế bị “quá tải”, không đảm bảo sức khỏe mà gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Đối với các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhất là đối với các phương tiện kinh doanh vận tải trên các tuyến quốc lộ trọng điểm theo đúng tinh thần chỉ Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 949/CĐ-TT.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tai nạn giao thông bắt nguồn từ 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan đến từ chất lượng phương tiện khi lưu thông trên đường, hạ tầng, thời tiết,...

Do đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc phương tiện cần được kiểm tra kỹ về chất lượng mỗi khi lưu thông, bảo đảm đủ tiêu chuẩn; khắc phục những “điểm đen”, hạ tầng xuống cấp. Đặc biệt tài xế phải ở trạng thái sức khỏe tốt nhất và được đào tạo, sát hạch đúng quy định thì nguy cơ tai nạn xảy ra trên đường sẽ thấp đi.

Mỗi năm, cả nước xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông, kéo theo nhiều gia đình rơi vào cảnh con mất cha mẹ, vợ mất chồng với nỗi đau dai dẳng. Để những thảm kịch giao thông không còn xảy đến dồn dập, đau xót như thời gian qua thì cần lắm ý thức của mỗi người tham gia giao thông, nhất là người cầm lái.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tham-nien-trung-binh-cua-tai-xe-gay-tai-nan-la-88-nam-post91535.html