Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng công an xã
Nghị định số 189/2025/NĐ-CP đã quy định chi tiết về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều chức danh như chủ tịch UBND, trưởng Công an cấp xã...
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, nghị định này quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh theo quy định tại khoản 2 Điều 37a của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2025.

Nghị định 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều chức danh, trong đó có trưởng công an xã, chủ tịch UBND xã. Ảnh minh họa.
Thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp
Theo nghị định, chủ tịch UBND xã, phường, có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi năm 2020, 2025). Đơn cử, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 15.000.000 đồng trong lĩnh vực: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh...
Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh, TP có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Giám đốc sở có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thẩm quyền của công an nhân dân
Cạnh đó, về thẩm quyền của Công an nhân dân thì chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định ở trên.
Trưởng Công an cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đơn cử, trưởng công an cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng trong lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thi hành án dân sự quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.