Thần đồng Đỗ Nhật Nam được dạy gì về tiền?

Con ở mỗi độ tuổi, cha mẹ lại có cách dạy khác nhau về vấn đề sử dụng tài chính. Tuy nhiên, dạy tiêu tiền cũng là từ khóa khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam. Ảnh Internet.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam. Ảnh Internet.

Dạy con kiếm tiền từ lao động

Cô Phan Hồ Điệp – Giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam được rất nhiều phụ huynh tín nhiệm về các phương pháp nuôi dạy trẻ. Bằng kinh nghiệm của giảng viên sư phạm và tình yêu thương con vô tận, cô Phan Hồ Điệp đã có những bài học hữu ích, đầy giá trị cho con trai mình.

Trên trang cá nhân cũng như các buổi hội thảo, tọa đàm, cô đã từng chia sẻ rất nhiều phương pháp dạy trẻ thông minh, tự lập, sống vui vẻ… trong đó có việc dạy con "kiếm tiền" và "tiêu tiền" có kế hoạch.

Nhiều bậc cha mẹ có quan điểm cho con tiếp xúc với tiền sớm sẽ không tốt. Nhưng mẹ Đỗ Nhật Nam đã chỉ ra rằng: "Trước 5 tuổi, bạn nên giúp con hiểu tiền đến từ việc làm việc, lao động.

Khi chi tiêu, ưu tiên cho thứ mình CẦN rồi mới đến thứ mình MUỐN. Tiền cần phải để dành cho những mục tiêu dài hạn. Tiền không phải là vô hạn, sẽ chỉ có số lượng nhất định tiền trong gia đình và vì thế cần tiết kiệm nó".

Cô Phan Hồ Điệp cho rằng, cha mẹ cần uyển chuyển trong cách dạy con tiêu tiền, tuy nhiên cũng cần cứng rắn, nghiêm khắc khi cần thiết mới đem lại hiệu quả cao. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để con có thể hiểu được những quy định tưởng như rất đơn giản đó.

Cô Điệp gợi ý: "Bố mẹ hãy làm cho con ba lọ, bên ngoài đề là: Tiền tiết kiệm, tiền chi tiêu, tiền cho đi. Để có được nguồn tiền, con cần lao động và bố mẹ sẽ trả công. Có thể lên danh sách những việc con sẽ được trả công, ví dụ cho chó mèo ăn, tưới cây, lau xe, đóng hộp đựng đồ chơi…

Ý kiến cá nhân mình là không nên trả tiền cho những việc liên quan đến học và đọc. Chỉ nên trả tiền cho những gì liên quan đến LAO ĐỘNG của trẻ. Nguồn tiền cũng có thể đến từ việc "trợ cấp" của bố mẹ hàng tuần hoặc hàng tháng. Sau khi có được nguồn tiền, hãy hướng dẫn con chia ra các lọ, theo cách: 20% lọ "tiền tiết kiệm"; 20% lọ "tiền cho đi" và 60% còn lại là ở lọ "tiền chi tiêu".

Cô Điệp cũng cho rằng, cha mẹ nên tôn trọng ý kiến của con trong việc quyết định tiêu tiền bằng cách thảo luận với con. Cha mẹ hãy bàn bạc và lắng nghe xem tiền trong các lọ sẽ dùng vào mục đích gì, ví dụ tiền chi tiêu sẽ dùng để mua ăn sáng, mua quà sinh nhật, mua đồ chơi, mua sách…

"Tiền cho đi" sẽ dùng cho các hoạt động như: ủng hộ quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang, mua tặng suất ăn cho các bạn mồ côi… Hãy khuyến khích để con tăng nguồn tiền trong khả năng và được sự cho phép như vẽ tranh, làm đồ chơi để bán, cho thuê sách, cho thuê xe đạp trong khu dân cư…

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam.

Dạy con cắt giảm chi tiêu cùng cha mẹ

Với người lớn, cắt giảm chi tiêu cũng là vấn đề được cân đong đo đếm. Tiết kiệm tiền là một kỹ năng cần thiết mà bố mẹ nên dạy ngay từ khi con còn nhỏ. Khi biết tiết kiệm tiền, con sẽ không tiêu xài hoang phí trong tương lai.

Nói về vấn đề này, cô Phan Hồ Điệp cho rằng: "Cha mẹ nên rủ con tham gia những hoạt động có thể giúp cắt giảm chi tiêu, ví dụ: Nhờ con tìm các phiếu mua hàng giảm giá. So sánh xem nên mua loại thực phẩm nào để tiết kiệm mà vẫn phù hợp. So sánh chi phí giữa một bữa ăn ở ngoài hàng và mua về nhà ăn.

Nhờ con giữ hộ các hóa đơn như tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước… và bàn với cả nhà xem nên làm những gì để giảm số tiền phải trả ở tháng sau.

Khuyến khích con tận dụng những cuốn vở cũ làm giấy nháp, tận dụng áo của bố làm áo choàng khi học vẽ, tận dụng các hộp bìa làm thùng để đồ chơi…và tính xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu từ những hoạt động đó.

Khi cùng con đi siêu thị, có thể lên danh sách những thứ CẦN và những thứ MUỐN. Và tất nhiên, hãy chọn những thứ CẦN trước đã, số tiền còn lại sẽ cân nhắc để mua hoặc không mua những thứ MUỐN, ví dụ một món đồ chơi của con. Con không chỉ hứng thú khi cùng cha mẹ tham gia lao động mà còn vui vẻ khi cảm thấy mình đã tiết kiệm được tiền nghĩa là làm được những việc to lớn".

Đối với mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ, cha mẹ sẽ có nhiều cách để dạy con, nhất là trong việc chi tiêu, sử dụng tiền. Như vậy, cũng sẽ có nhiều cách khác mà các bậc phụ huynh nghĩ ra, tuy nhiên đây cũng là việc không đơn giản. Vì hiện nay, nhiều trẻ em bị tác động bởi nhu cầu vật chất. Chúng sẽ mong muốn có nhiều đồ chơi khi còn nhỏ và lớn lên là quần áo, phụ kiện, điện thoại, xe… và "thế hệ thú cưng" ra đời với việc chi tiêu không cần phải nghĩ.

Cô Điệp cũng gợi ý với các bậc phụ huynh: Khi con đòi mua gì đó, bạn đừng nên nói với con là bạn nghèo, kể cả bạn có nghèo thật, mà hãy nói với con là điều đó chưa có trong danh sách chi tiêu. Muốn có chúng ta cần phải tiết kiệm và thực hiện những công việc gì.

Khi con bạn lớn hơn, các phương pháp trên có thể không còn làm trẻ cảm thấy hứng thú thì hãy thay bằng các phương pháp khác như mở sổ tiết kiệm, hướng dẫn con đi làm thêm trong thời gian rảnh….

Thói quen chi tiêu thực sự quan trọng với cuộc đời của mỗi người, thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến số phận. Và thói quen này có thể hình thành từ rất sớm.

Cha mẹ cần tự trang bị kiến thức để hướng dẫn con cho đúng, phù hợp với tính cách của từng đứa trẻ. Việc quản lý tiền chưa bao giờ là dễ dàng, không chỉ với các con mà còn cả người lớn. Vì vậy, dạy con cũng chính là bài tập cho cha mẹ thực hành quản lý tài chính trong gia đình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/than-dong-do-nhat-nam-duoc-day-gi-ve-tien-20200622124908817.html