Thân thương chòi rẫy

Không ai nhớ chòi rẫy có từ thuở nào nhưng đến bây giờ, tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mỗi khi canh tác trên khu rẫy mới, bà con thường tìm kiếm vật liệu như tranh, tre, nứa, lá… để dựng căn chòi để canh giữ, phòng vệ, cất trữ lương thực và che nắng, trú mưa.

Không quá khó khi men theo những con đường quanh co, gập ghềnh chạy dọc theo sườn núi để tôi nhìn đoán một căn chòi rẫy. Căn chòi ấy thường xa đường lớn, xa buôn làng và cất dựng ở ngay trên ruộng, giữa nương rẫy, cạnh suối, cạnh sông, ven đồi hay miết cùng thung sâu. Và nương rẫy ở đâu, chòi cất ở đấy. Có khi khắp vùng có vài cái chòi rẫy, nhưng cũng có khi, đi mãi mới bắt gặp lẻ loi một chòi ở xa.

Giữa rừng núi thênh thang, giữa nắng gió bời bời, giữa sơn nguyên rộng lớn, cứ hiện sinh góc chòi góp mặt với thời gian, hong mình trong nắng gió, lúc thấp thoáng núi đồi, lúc ẩn mình trong cây lá.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Đầu thu, không khí mát lạnh, trong lành, tôi hít một hơi trong sự khoan khoái. Phóng tầm mắt ra xa là ruộng bậc thang của làng, có dòng nước từ suối nghe đều đặn róc rách chảy. Xa xa, thấp thoáng chòi rẫy trên sườn đồi. Chòi rẫy có thể nằm chênh vênh như cái tổ chim, cũng có thể nhỏ bé, cô độc như cây cô đơn mọc lên giữa thung xanh. Đôi khi, tôi tự hỏi ai đã cất dựng nó lên rồi để nó một mình chơ vơ giữa trập trùng rộng lớn kia.

Thì chắc rồi, chòi rẫy làm gì có bản thiết kế, cũng không có quy hoạch hay kiến trúc sư nào chỉ dẫn. Điểm chung giống nhau giữa các chòi là độ cao vừa phải, khoảng lùi tương ứng, hình dáng đơn sơ và thường dưới mặt đất trũng xuống, chắc để nước mưa thoát nhanh. Nhìn sự tỉ mẩn trong cách bố trí khung chòi, sắp xếp từng phên tre, nứa, hay lồ ô, sự chăm chút trong từng cánh cửa sổ trổ hướng ra đường, càng thấy chòi rẫy quy củ, hài hòa, gắn bó cùng thiên nhiên đến nhường nào.

Mùa gieo trồng, mùa thu hoạch, nhiều gia đình còn ở trên chòi cả tuần, có khi nửa tháng. Nguyên bản của chòi rẫy là nơi dùng canh giữ, phòng vệ khi thú dữ tấn công, phá hoại hoa màu. Rồi sau đó làm nơi cất giữ lương thực khi mùa về mà không sợ trộm cắp. Có khi từ một mẻ khoai, buồng chuối đến cả một vụ mì, mùa lúa, cứ đem xếp ngay ngắn vào đây. Cần bao nhiêu cứ đi vào chòi lấy bấy nhiêu về mà dùng, cho đến khi thóc cạn, mùa vơi mới thôi.

Và khi chòi rẫy không dùng để cất giữ hoa màu thu hoạch, hay tài sản cá nhân nữa thì là nơi trú chân khi nắng mưa, phút nghỉ ngơi khi mệt mỏi. Lúc này, chòi rẫy được thiết kế nhỏ như túp lều, chỉ có mái che và sàn, không có phên vách, nhìn trống không cả tứ phía. Những chòi rẫy này thường được bố trí trên các đồi cao. Mái chòi được lợp bằng cỏ tranh và thường mái trước cao hơn để dễ trèo lên xuống cũng như quan sát. Mái sau thì thấp, có khi lợp kín đến sát sàn nền, không cần phải che vách phía sau.

Trong những chiều lang thang, tôi tình cờ gặp một cụ già đang gùi nắng lên chòi. Mỗi khi buồn nhớ nương rẫy, thương những tháng ngày xưa gian khó, cụ thường đến đây uống rượu và ngồi hát một mình. Trong căn chòi ký ức, cụ trải lòng với tôi rằng: thuở lập làng rồi chọn canh tác phía nương rẫy kia, thì toàn là cây rừng. Chiều về, rừng vọng lại tiếng mang tác, có những lúc ra suối lấy nước lại gặp cả heo, thỉnh thoảng có thể lượm được răng nanh của hổ báo, lợn lòi.

Theo nếp quen, người đến trước giúp đỡ người đến sau, hướng dẫn cách thức làm ăn, ra rừng, suối chặt cây, chặt tre, lồ ô, bó tranh dựng chòi. Cuộc sống nghĩa tình và ấm áp. Nên mấy nhà chụm lại, bàn nhau cất một cái chòi. Cũng bởi cái khó nó khiến con người ta nghĩ ra cách vừa tránh ẩn thú dữ vừa cất giữ bảo vệ của cải.

Giữa bốn bề rừng núi thâm trầm, nắng chiều le lói rọi vào chòi rẫy, trên những lớp vách bằng lồ ô đập dập, tôi thấy gương mặt cụ vui tươi, rạng rỡ. Và khi bước ra cái chòi rẫy nhỏ bé bạc phếch nắng mưa, tôi thêm thương những tâm hồn nhân hậu thủy chung của làng.

NGUYỄN THỊ DIỄM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/than-thuong-choi-ray-post248400.html