Tháng 5 nhớ Bác...

Nhiều năm qua, Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá (Quảng Trị) trở thành nơi tham quan, học tập của học sinh nhằm tưởng nhớ Người...

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Vào những dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, các trường học tổ chức học sinh tham quan, dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Người đối với đất nước.

Lễ truy điệu bí mật ở Hà Xá

Gần đến ngày kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2024), Trường Tiểu học Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) tổ chức sớm cho học sinh tham quan, dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong). Trong bộ đồng phục áo đỏ, sao vàng, cô trò Trường Tiểu học Triệu Ái đã thành kính dành phút mặc niệm và dâng hương tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Nhiều lần cùng các bạn trong lớp đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, Nguyễn Thị Khánh Linh - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Ái luôn hào hứng. Mỗi chuyến đi đều mang đến cho em sự trải nghiệm thú vị.

“Ở trên lớp, chúng em được nghe cô giáo dạy về tiểu sử của Bác Hồ và hành trình tìm đường cứu nước của Người. Nhưng tham quan thực tế tại Đền thờ Bác Hồ, em được học tập thêm nhiều điều ý nghĩa. Qua những lời giới thiệu về Bác Hồ và tài liệu lịch sử, chúng em còn được biểu thị tấm lòng thành kính của mình để tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã chỉ đạo và dẫn dắt cuộc cách mạng của dân tộc đi đến thắng lợi, để đất nước được hòa bình, thịnh vượng như hôm nay”, Khánh Linh chia sẻ.

Cũng như bạn cùng lớp Khánh Linh, Trịnh Lê Minh Quân được lớn lên trên vùng quê Hà Xá nên thường theo chân các anh chị đoàn viên, thanh niên đến tham quan Đền thờ Bác Hồ.

Minh Quân chia sẻ: “Từ nhỏ, em được nghe người thân kể về Bác Hồ và những tình cảm của bà con nơi đây dành cho Người. Khi Bác Hồ mất, người dân quê em đã bí mật tổ chức Lễ truy điệu và để tang Bác Hồ. Trong lòng em bắt đầu nhen nhóm tình cảm và niềm tôn kính đối với Bác. Học sinh chúng em luôn khắc ghi 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”.

Vào ngày 25/9/1969, nhân dân xã Triệu Ái đã bí mật tổ chức thành công Lễ truy điệu và để tang Bác Hồ, tại ngõ nhà ông Phan Tường, thôn Hà Xá. Trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm của vùng địch tạm chiếm, buổi lễ truy điệu và để tang Bác Hồ được cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Hà Xá tổ chức hết sức chu đáo, trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính của đồng bào Quảng Trị nói chung, Triệu Phong và thôn Hà Xá, Triệu Ái nói riêng đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Bà Trịnh Thị Thanh Mão, Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá năm 1969 vẫn chưa quên được thời khắc lịch sử năm ấy. Nhớ lại Lễ truy điệu Bác Hồ, bà Mão xúc động cho biết: “Mặc dù sống trong vùng địch tạm chiếm đóng, bị quản thúc chặt chẽ nhưng nhân dân luôn một lòng hướng về Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Tháng 9/1969, khi nghe tin Bác Hồ từ trần, thì mọi người hết sức đau xót, ai cũng đau đớn, buồn rầu, thương tiếc Bác. Trước tình hình đó, Chi bộ đã họp bàn thống nhất quyết định sẽ tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ”.

Đoàn viên, thanh niên xã Triệu Ái dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Đ. Đức

Đoàn viên, thanh niên xã Triệu Ái dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Đ. Đức

Bà Mão nhớ lại: “Để đảm bảo tính bí mật, chúng tôi đã đến từng nhà vận động, thông báo cho người dân được biết và lên phương án chủ động tránh địch phát hiện. Lúc ấy dưới vỏ bọc tổ chức lễ cầu an rằm tháng 8 để lồng ghép thực hiện Lễ truy điệu Bác Hồ.

Dưới sự tổ chức chặt chẽ, đoàn kết một lòng của nhân dân nên đã ngụy trang thành công đảm bảo được bí mật cho đến ngày làm Lễ truy điệu Bác. Buổi lễ truy điệu diễn ra thành công như mong muốn của Chi bộ và nhân dân thôn Hà Xá. Đến giờ phút cuối cùng, khi mọi người dành phút mặc niệm tưởng nhớ Người thì địch mới phát hiện đang tổ chức Lễ truy điệu cho Bác”.

Sau lễ truy điệu đầy xúc động ấy, nhiều gia đình cách mạng đã lập bàn thờ, buộc khăn tang ở cổ tay, ở quai nón trong 7 ngày để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, do quân địch tăng cường đàn áp nên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ có thôn Hà Xá lúc bấy giờ tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ.

Ngay tại vị trí tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của vị lãnh tụ kính yêu. Đây cũng là nơi để người dân đến viếng, tỏ lòng kính trọng đối với Bác, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào đối với các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Triệu Ái bày tỏ lòng biết ơn và tri ân vị lãnh tụ kính yêu. Ảnh: Đ. Đức

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Triệu Ái bày tỏ lòng biết ơn và tri ân vị lãnh tụ kính yêu. Ảnh: Đ. Đức

Hoạt động giáo dục lịch sử

Nhiều năm qua, Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá trở thành nơi tham quan, học tập của học sinh nhằm tưởng nhớ Người, đồng thời là một hoạt động giáo dục lịch sử ý nghĩa. Cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 5 Trường Tiểu học Triệu Ái cho biết, nhà trường thường tổ chức cho học sinh đến tham quan, dâng hương tại Đền thờ Bác. Tại đây, cô giáo hướng dẫn các em làm vệ sinh khuôn viên sạch sẽ. Những chuyến trải nghiệm như vậy khiến học sinh hào hứng, thu hoạch được nhiều bài học giá trị.

“Trên lớp, trong các tiết học giáo viên lồng ghép giới thiệu về Bác Hồ, hoặc qua những nội dung giáo dục lịch sử địa phương để học sinh nắm bắt. Hầu hết các em có sự hiểu biết nhất định và đều ý thức và dành tình cảm sâu sắc đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Do đó, khi đến đây, các em xếp hàng trang nghiêm, kính cẩn dâng hương lên Bác Hồ”, cô Thu Hà chia sẻ.

Phan Gia Hân, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du (TP Đông Hà) cho biết, nhiều lần được đến tham quan tại Đền thờ Bác Hồ cùng các anh, chị đoàn viên, thanh niên em thấy rất ý nghĩa.

“Qua các tài liệu, bài học lịch sử, em đã hiểu phần nào về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Nhưng những lần tham quan thực tế thực sự bổ ích và lý thú đã trở thành bài học trải nghiệm không có trong sách vở. Qua đó, em có thêm nhiều kiến thức hơn về di tích Đền thờ Bác Hồ, về cuộc đời, sự nghiệp của Bác kính yêu”, Gia Hân chia sẻ.

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Cô Hoàng Thị Dạ Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Ái cho biết, nhằm giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc, nhà trường chú trọng tổ chức các buổi học trải nghiệm thực tế tại di tích theo nội dung giáo dục lịch sử địa phương. Trong đó, nhà trường hàng năm tổ chức cán bộ, giáo viên, học sinh đến tham quan, dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, Ngày Quốc khánh...

“Những hoạt động giáo dục nói trên giúp học sinh bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng những đóng góp to lớn của Bác Hồ với đất nước. Đồng thời, ôn lại bề dày truyền thống lịch sử của cha ông trên chính mảnh đất mà mình sinh sống, giúp các em nâng cao hiểu biết về quê hương.

Đồng thời qua đó, khơi dậy tình yêu đất nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh. Những chuyến học tập, trải nghiệm thực tế giúp học sinh ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản dân tộc”, cô Thảo cho hay.

Học sinh quét dọn khuôn viên Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Đ. Đức

Học sinh quét dọn khuôn viên Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Đ. Đức

Cô Nguyễn Thị Phước Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Triệu Phong cho biết, những năm học qua, ngành Giáo dục Triệu Phong thường xuyên tổ chức các giờ dạy học lịch sử, hoạt động ngoại khóa tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn.

Trong đó, các trường học tổ chức các hoạt động dâng hương, báo công tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thể hiện lòng biết ơn, tri ân công lao to lớn đối với vị lãnh tụ kính yêu. Qua đó, giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử địa phương, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

Đền thờ Bác Hồ có một vị trí tinh thần đặc biệt quan trọng trong lòng mỗi người dân Quảng Trị. Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9, hay những ngày lễ, Tết khác của dân tộc, cánh cửa Đền thờ Bác Hồ luôn được mở rộng để chào đón mọi người dân trên mảnh đất Quảng Trị đến dâng hoa, thắp nén nhang tưởng nhớ Bác.

Năm 2004 UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định cấp Bằng Chứng nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích Ngõ nhà ông Phan Tường, sau này được gọi Đền thờ Bác Hồ. Vào năm 2007, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng để người dân đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đến Người.

Đền thờ Bác Hồ có một vị trí tinh thần đặc biệt quan trọng trong lòng mỗi người dân Quảng Trị. Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9, hay những ngày lễ, Tết khác của dân tộc, Đền thờ Bác Hồ luôn được người dân Quảng Trị đến dâng hoa, thắp nén nhang tưởng nhớ Người.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thang-5-nho-bac-post682834.html