Tháng Tám về Bằng Hành

Cánh đồng Trà My - nơi đội quân cách mạng đầu tiên dưới sự dẫn dắt của ông Bế Triều, Lê Quảng Ba luyện quân ngày nào để chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 19.8.1945 từ tay thực dân khi xưa - nay là một màu xanh non lúa mùa đang thì con gái. Và đây, cây cầu Thác Vệ vững trãi bắc ngang dòng suối Vệ mát lành nối 2 bờ Đông – Tây trên Quốc lộ 279 làm nên vùng quê cách mạng rộng dài đến vô tận, dưới ánh nắng trời Thu cao lộng, xanh ngắt...

Bí thư Đảng ủy xã Bằng Hành (Bắc Quang) Lăng Quang Dự tự hào: Tổng Bằng Hành ngày nay no ấm, đủ đầy lên nhiều lắm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 28 triệu đồng. Dự kiến năm nay sẽ đạt trên 30 triệu đồng/người. Đảng bộ, nhân dân Bằng Hành đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2020 về đích Nông thôn mới.

Câu chuyện về nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữa chúng tôi mỗi lúc một sâu hơn. Tâm sự, Bí thư xã Lăng Quang Dự cho biết: Bằng Hành hiện có 1.085 hộ, 4.917 khẩu, gồm 6 dân tộc, sống tại 11 thôn bản. Thế mạnh về đất đai, sức lao động, chí làm giàu lúc nào cũng thôi thúc trong dân. Làm ăn ngày nay được áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, cách làm mới từ mỗi gia đình, cá nhân. Kinh tế trọng tâm ở Bằng Hành vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Giải pháp mô hình thâm canh, áp dụng “5 cùng” sản xuất trên cánh đồng mẫu đã cho các sản phẩm chất lượng cao; lúa đặc sản J02, Bắc Thơm năng suất trên 60 tạ/ha. Chăn nuôi lợn đen đặc sản truyền thống, gà thả đồi, cá thả ao, vịt lội suối, trâu, bò, dê được mở rộng. Các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp phối kết hợp giữa trồng rừng, đắp đập ngăn khe suối làm ao thả cá, nuôi vịt phát triển rộng khắp. Thống kê sơ bộ cho thấy, Bằng Hành có đàn trâu, bò trên 1.550 con, đàn lợn trên 4.300 con, gia cầm, thủy cầm gần 45.000 con, diện tích ao, đập nuôi cá trên 41 ha... Người dân Bằng Hành tự hào: Ngày nay, dân làm 1 vụ, ăn 1 năm không hết thóc lúa. Thóc, lúa, ngô khoai làm ra chủ yếu để chăn nuôi gia súc, gia cầm là chính. Câu chuyện về cái đói, thiếu ăn trên là của một thời xa vắng.

Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, Hoàng Văn Tiêu cho biết: Nhắc đến kinh tế Bằng Hành hiện nay không thể không nhắc đến rừng. Kinh tế rừng hiện tại ở Bằng Hành người nông dân chỉ thu hái lá giang trên khe suối, ven đồi cũng đủ sống. Lá giang được các thương lái thu mua 11.000 đồng/kg. Một người dân vào rừng hái ít nhất không dưới 30 kg lá Giang/ngày, thu về 330.000 đồng. Mỗi ha rừng trồng keo liên kết với lâm trường Ngòi Sảo, sau chu kỳ 6 năm thu về bình quân 100 triệu đồng. Dưới rừng là cỏ chăn nuôi, nơi chăn thả gia súc, gia cầm…

Nói về các mối liên kết làm kinh tế, Bí thư Lăng Quang Dự vui vẻ: Chợ Bằng Hành rất đông, nhiều nông, lâm sản. Hàng chục hộ làm nông thuần túy xưa kia đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán nông, lâm sản quê nhà. Đảng bộ, nhân dân Bằng Hành luôn mở cửa đón các doanh nghiệp có tiềm năng vào xã liên kết cùng nông dân làm ăn. Trung tâm xã xuất hiện nhiều quán ăn, cửa hàng xe máy, điện thoại. Nhiều nông dân mở xưởng, đầu tư máy móc, thu mua, chế biến gỗ rừng trồng, làm đồ mỹ nghệ. Xây dựng Nông thôn mới, Bằng Hành đạt 10/19 tiêu chí. Dân góp đất, góp công, Nhà nước hỗ trợ xi măng bê tông hóa đường làng. Nhà nước đầu tư ngân sách xây trường học, trạm y tế, nhân dân hiến đất, góp công cùng xây dựng quê hương.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tiêu cho biết thêm: Nhân dân các thôn đang chờ Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm 28 km đường bê tông tại thôn Đoàn Kết, thôn Lái, thôn Trung...; sẵn sàng chặt bỏ cây cối, dẹp gọn vườn tược để kéo điện về thôn. Vấn đề rác thải, thôn bản giao trách nhiệm cho mỗi gia đình tự gom, tự dọn dẹp xử lý theo phương châm “Sạch làng, tốt lúa”. Hiện nay, phong trào “Nhà sạch thì mát – bát sạch ngon cơm” đã, đang lan truyền đến từng ngõ, xóm để có một Tổng Bằng hành xanh, sạch, đẹp lên mỗi ngày.

Chiều về, bức tranh quê ở Bằng Hành càng trở nên thơ mộng. Đồng xanh lúa vẫy gió mơn man, xa xa trong làng, những vệt khói lam, những mái nhà sàn truyền thống núp bên bìa rừng trở nên thân quen, ấm áp lạ thường...!

NGUYỄN HÙNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201908/thang-tam-ve-bang-hanh-748754/