Thành công của xuất khẩu thủy sản sang Singapore

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động, ngành thủy sản Việt Nam vừa ghi dấu ấn quan trọng khi lần đầu tiên vươn lên vị trí nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho thị trường Singapore. Thành tích này không chỉ phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của ngành thủy sản trong nước, mà còn mở ra những triển vọng mới trong việc mở rộng thị phần tại thị trường đòi hỏi chất lượng cao này.

Thị trường thủy sản Singapore: Ổn định trong xu thế bão hòa

Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Singapore, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của quốc đảo này trong nửa đầu năm 2025 đạt 559,5 triệu SGD, ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy sự ổn định đáng kể của thị trường dù đã bước vào giai đoạn bão hòa.

Thủy sản Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho thị trường Singapore

Thủy sản Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí nhà cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho thị trường Singapore

Phân tích cơ cấu nhập khẩu cho thấy bốn nhóm sản phẩm chính chiếm tỷ trọng áp đảo, bao gồm cá tươi/ướp lạnh trừ phi lê cá và thịt cá (0302); Cá cấp đông trừ phi-lê cá và thịt cá (0303); Phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304); Động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) với giá trị nhập khẩu mỗi nhóm đều đạt trên 110 triệu SGD trong 6 tháng đầu năm 2025 (tương đương khoảng 18 triệu SGD/tháng). Đặc biệt, nhóm động vật giáp xác dẫn đầu với giá trị nhập khẩu lên tới 132,9 triệu SGD, chiếm gần 24% tổng thị phần. Tuy nhiên, thị trường đang có dấu hiệu chững lại khi ba trong bốn nhóm sản phẩm chính ghi nhận mức giảm nhẹ từ 1-3%, phản ánh sự bão hòa của thị trường nội địa.

Bên cạnh các mặt hàng chủ lực, Singapore cũng nhập khẩu đáng kể các sản phẩm thủy sản khác như nhóm cá sống, cá đã qua chế biến, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống trừ giáp xác/thân mềm. Trong đó, nhóm động vật thân mềm đạt 57,2 triệu SGD, trong khi nhóm động vật thủy sinh không xương sống trừ giáp xác/thân mềm chỉ đạt 12,3 triệu SGD và tiếp tục giảm sâu tới 19,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Hành trình của thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore trong năm 2025 là một câu chuyện thành công đáng chú ý. Từ vị trí thứ 5 vào năm 2024, chỉ sau một năm, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã lần lượt vượt qua các đối thủ cạnh tranh để vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Malaysia, Indonesia.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore Singapore, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 57,2 triệu SGD, tăng 10,8% so với cùng kỳ và chiếm 10,2% thị phần toàn thị trường. Thành công này đến từ chiến lược tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực với sự thể hiện ấn tượng.

Nhóm phi lê cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông trở thành mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Singapore với giá trị xuất khẩu đạt 29 triệu SGD, chiếm tới 29,6% thị phần. Điều đáng nói là dù thị trường có dấu hiệu bão hòa, mặt hàng này vẫn duy trì được mức tăng trưởng 2,1%. Đây cũng là nhóm thủy sản nhập khẩu mà sản phẩm từ Việt Nam đang duy trì được vị trí thống lĩnh tại thị trường Singapore.

Nhóm động vật giáp xác cũng ghi nhận kết quả khả quan với 12,5 triệu SGD và mức tăng trưởng 13,3%. Trong khi đó, nhóm động vật thân mềm ghi nhận bước nhảy vọt đáng kinh ngạc với mức tăng 172,1%, đạt 7,1 triệu SGD, trở thành điểm sáng trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, chia sẻ: "Thành công này là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không ngừng từ phía doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản trong thời gian qua đã giúp thủy sản Việt Nam dần khẳng định được vị thế tại thị trường khó tính này."

Những thách thức và cơ hội

Mặc dù đạt được những thành tích ấn tượng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển thị phần tại Singapore.

Trên bàn cờ cạnh tranh, Malaysia và Indonesia tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với giá trị nhập khẩu lần lượt đạt 75,2 triệu SGD và 63,2 triệu SGD. Hai quốc gia này chiếm ưu thế rõ rệt ở các nhóm động vật giáp xác và cá tươi/ướp lạnh trừ phi lê cá và thịt cá. Na Uy, dù tạm xếp sau Việt Nam, vẫn là đối thủ mạnh trong nhóm cá tươi/ướp lạnh với 43,2% thị phần. Các đối thủ tiềm năng khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang có những bước đi mạnh mẽ để gia tăng thị phần.

Về phía nội tại, ngành thủy sản Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức quan trọng. Chất lượng sản phẩm cần được cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Giá thành sản xuất cao vẫn là rào cản lớn làm giảm sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Hệ thống phân phối và quảng bá thương hiệu còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Đặc biệt, sự phụ thuộc vào một số nhóm sản phẩm chính khiến hoạt động xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.

Để củng cố vị thế và tiếp tục mở rộng thị phần tại Singapore, ngành thủy sản Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược.

Việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu cần được đẩy mạnh, đặc biệt là khai thác triệt để tiềm năng của các nhóm sản phẩm đang có mức tăng trưởng cao như động vật thân mềm. Đồng thời, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp cần áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế vào toàn bộ quy trình sản xuất, đồng thời đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm.

Giảm giá thành sản xuất là một trong những ưu tiên hàng đầu. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến sẽ giúp nâng cao năng suất, giảm tỷ lệ hao hụt. Xây dựng chuỗi cung ứng khép kín là giải pháp quan trọng để tối ưu hóa chi phí.

Công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức thường xuyên các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Singapore. Xây dựng chiến lược truyền thông bài bản sẽ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu thủy sản Việt Nam.

Phát triển thương hiệu tập thể là hướng đi chiến lược cần được triển khai mạnh mẽ. Việc thành lập và quảng bá thương hiệu chung cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore sẽ tạo sự khác biệt và nâng cao giá trị sản phẩm.

Thành công trong việc vươn lên vị trí thứ ba tại thị trường Singapore là minh chứng rõ nét cho sự trưởng thành của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong một hành trình dài hơi đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hứa hẹn.

Với sự chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược phát triển bền vững, thủy sản Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng không chỉ duy trì mà còn tiếp tục nâng cao vị thế tại Singapore - một thị trường tuy nhỏ nhưng có tiêu chuẩn chất lượng cao và là bàn đạp quan trọng để vươn ra các thị trường khác trong khu vực.

Đức Thuận

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thanh-cong-cua-xuat-khau-thuy-san-sang-singapore-167821.html