Thanh Hóa: Bão số 3 'nuốt đường' vào bản, nhiều hộ dân bị cô lập
Bão số 3 đổ bộ kèm theo mưa to kéo dài, nhiều tuyến đường, cầu dân sinh đã bị 'nuốt chửng', nhiều bản làng bị cô lập, hàng nghìn ha lúa bị ngập úng.
Nhiều bản làng bị cô lập
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 20/7/2025 đến nay, nhiều nơi thuộc tỉnh Thanh Hóa liên tục hứng chịu mưa lớn diện rộng. Tại xã Sơn Thủy, nước tại suối Xia và sông Luồng dâng cao, gây ngập lụt cục bộ tại một số nơi từ chiều ngày 22/7/2025.
Đập tràn đường vào bản Cóc bị ngập sâu, khiến bản Cóc hoàn toàn bị chia cắt. Tương tự, ngầm tràn Thủy Sơn cũng chìm trong nước, cô lập nhân dân xóm Na Tuồng và bản Thủy Sơn. Đặc biệt, hai đường tràn dân sinh khác cũng bắt đầu bị ngập. Hiện xã Sơn Thủy có 85 hộ/361 khẩu bị cô lập; tình hình mưa lớn kéo dài cũng làm tăng nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn.

Nước suối Xia, sông Luồng dâng cao khiến ngập lụt cục bộ. Ảnh: QH
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS xã Sơn Thủy cũng đã khẩn trương chỉ đạo cắm cọc, căng dây cảnh báo và bố trí hai Tổ trực do Công an xã chủ trì để hướng dẫn, tuyên truyền, ngăn chặn người và phương tiện qua lại.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết: Trước tình hình khẩn cấp, UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo và phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS trực tiếp xuống các bản, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão lụt.
Các biện pháp ứng phó quyết liệt đã được triển khai: Tuyên truyền, vận động bà con không vớt củi, đánh cá, không qua sông, suối khi nước dâng; tổ chức căng dây, cắm biển cảnh báo tại các nơi ngập lụt, có nguy cơ sạt lở.

Cầu Luồng sang xóm Na Tuồng bị cuốn trôi, nhiều hộ dân xóm Na Tuồng, xã Sơn Thủy bị cô lập. Ảnh: QH
Các lực lượng xung kích của xã, bản cũng được phân công thường xuyên túc trực 24/24h tại các bản, hai ngầm tràn và các địa điểm xung yếu, đồng thời kiểm tra các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông. Công tác sơ tán dân đã được thực hiện hiệu quả, xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động và di dời thành công 9 hộ với 34 khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở tạm an toàn.
Còn tại xã Mậu Lâm, mưa lớn đã làm tuyến đường độc đạo từ xã Nông Cống lên xã Mậu Lâm có 2 điểm ngập sâu, giao thông không thể qua lại được, gây chia cắt, cô lập 2 thôn Khe Sình và Phú Sơn của xã Mậu Lâm.

Mưa lớn kèo dài, nhiều bản làng bị cô lập, trở thành ốc đảo bất đắc dĩ. Ảnh: QH
“Hiện thôn Phú Sơn có 273 hộ/1.017 nhân khẩu và thôn Khe Sình có 136 hộ/486 khẩu bị nước cô lập, không qua lại được. Ngoài bị cô lập, toàn bộ hoa màu, lúa của 2 thôn này cũng ngập sâu trong nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã đã lập chốt, cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để ứng phó với các tình huống xảy ra”, ông ông Lê Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Mậu Lâm cho biết.
Ngoài ra còn có thôn Thành Lợi, xã Tân Thành có 15 hộ/70 khẩu tạm thời bị chia cắt do nước dâng hơn 1m qua đường tràn cầu Cửa Dụ; tại thôn Thành Tiến, xã Luận Thành cũng có 14 hộ/56 khẩu bị cô lập do nước sông lên cao…
Sơ tán gần 1.600 dân, hàng nghìn ha hoa màu ngập úng
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h chiều nay, chính quyền các địa phương đã chủ động sơ tán 342 hộ/1.578 khẩu đến nơi an toàn.
Đơn cử như tại xã Tam Chung, một xã miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức sơ tán 33 hộ/194 khẩu tại các bản: Phái, Suối Lóng, Pom Khuông, bản Cân và Bản Ón đến nơi an toàn.

Nhiều hộ dân được tuyên truyền, sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: QH
“Chúng tôi đã chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân đủ dùng đến ngày 25/7. Đồn Biên phòng Tam Chung cũng đã hỗ trợ rất tích cực. Tuy nhiên, địa bàn nhiều đồi cao, nguy cơ sạt lở lớn nếu hoàn lưu bão gây mưa to. Chiều 22/7 lực lượng của xã đang tiếp tục rà soát các khu dân cư, nếu phát hiện khu vực có nguy cơ cao sẽ di dời ngay để bảo đảm an toàn”, Chủ tịch UBND xã Tam Chung Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Ngoài ra, bão số 3 cũng đã khiến tổng diện tích lúa bị ngập khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung; Nga Sơn; Bỉm Sơn, Thiệu Hóa, Thành phố, Vĩnh Lộc, Yên Định, Nghi Sơn...
Diện tích hoa màu, rau màu bị ngập, đổ (ngô, sắn, lạc, rau,…): 136,55 ha; cây xanh đô thị bị đổ gãy là 20 cây. Có 2 con bò, 5 con lợn và 3.050 con gà, vịt bị cuốn trôi; 7 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị ngập, tràn.
Bão số 3 cũng khiến 2 cây cột điện hạ thế bị đổ, gãy; xảy ra 2 sự cố đê điều; nhiều tuyến đường bị sạt lở taluy, ngập đường…

Bão số 3 còn diễn biến phức tạp, mưa còn kéo dài nên nhiều tình huống xấu vẫn có thể xảy ra. Ảnh: QH
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên từ nay đến chiều tối ngày 24/7, ở khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông dẫn đến cac nguy cơ ngập úng cục bộ, sạt lở đất đá, lũ quét... Nhưng với phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần “không chủ quan, không để bị động, bất ngờ”, chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Thanh đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Chỉ đạo khi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào sáng 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương phải duy trì nghiêm chế độ thường trực, tuyệt đối không được chủ quan, sẵn sàng các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, chủ động phương án liên lạc, hiệp đồng giữa các lực lượng; rà soát ngay các khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó.Đặc biệt, cần xác định rõ khu vực xung yếu, những công trình hồ đập thủy lợi, đê điều có nguy cơ cao để chuẩn bị kịch bản huy động lực lượng ứng phó kịp thời, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh.Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng yêu cầu, sau khi bão đi qua, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương triển khai công tác tiêu úng, chống ngập lụt kịp thời, hiệu quả cho khu vực đô thị, khu dân cư tập trung và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các địa bàn thấp trũng, dễ úng ngập kéo dài.