Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột

Nam thanh niên quê Quảng Ninh nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ sau khi uống 200ml thuốc diệt chuột dạng trấu, có thành phần Bromadiolone. Nam thanh niên may mắn được các bác sĩ cứu sống.

Đại diện Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu và điều trị kịp thời cho bệnh nhân P.V.N (26 tuổi, trú tại xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên) bị ngộ độc thuốc diệt chuột.

Theo đó, nam thanh niên nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ sau khi uống 200ml thuốc diệt chuột dạng trấu có thành phần Bromadiolone. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu rửa dạ dày, bơm than hoạt, truyền dịch, thải độc bằng bài niệu tích cực. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh táo, khỏe mạnh và đang được nằm viện theo dõi tình trạng sức khỏe.

Nam thanh niên được bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cứu sống sau khi ngộ độc thuốc diệt chuột. Ảnh: BVCC

Nam thanh niên được bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cứu sống sau khi ngộ độc thuốc diệt chuột. Ảnh: BVCC

BSCKI. Vũ Trọng Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên) cho biết: Bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột được chuyển đến bệnh viện cấp cứu và đã được giải độc kịp thời nên phục hồi sức khỏe nhanh chóng, không để lại di chứng. Thành phần Bromadiolone trong thuốc diệt chuột dạng trấu hoạt động bằng cách ngăn cơ thể tái chế vitamin K cần thiết để làm đông máu.

Thuốc diệt chuột khi vào cơ thể sẽ "đầu độc" hệ thần kinh, gây triệu chứng đau đầu, suy giảm tri giác, co giật, liệt cơ, thậm chí hôn mê; rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động; suy thận cấp; tác động đến hệ tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn và nôn kèm các biểu hiện của tiêu cơ vân cấp, suy hô hấp do co giật, sặc...

Để tránh các trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên khuyến cáo: Người dân nên mua, sử dụng thuốc diệt chuột đúng mục đích, bảo quản kỹ lưỡng ở nơi kín đáo, an toàn, xa tầm tay trẻ nhỏ. Đặc biệt, không dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng thuốc diệt chuột vì rất dễ nhầm lẫn.

Đối với người trẻ cần sinh hoạt điều độ, lựa chọn lối sống tích cực, cân bằng giữa học tập, lao động và vui chơi giải trí, tránh tâm lý căng thẳng, stress dẫn đến hành vi tự tử. Khi phát hiện người uống thuốc diệt chuột, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như: rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài.

Ảnh hưởng của thuốc diệt chuột đối với cơ thể người có thể lâu dài. Trường hợp người bệnh xuất viện có các triệu chứng như: chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, đi ngoài ra máu… cần vào viện ngay để thăm khám, điều trị.

Đức Tùy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thanh-nien-suyt-mat-mang-vi-ngo-doc-thuoc-diet-chuot-169240704092113207.htm