Thanh Thúy và cơ hội xuất ngoại của vận động viên Việt Nam
Trần Thị Thanh Thúy, chủ công số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam, đang đứng trước cơ hội xuất ngoại lần thứ bảy trong sự nghiệp khi nhiều khả năng sẽ đầu quân cho CLB Gunma Green Wings tại Giải vô địch bóng chuyền nữ Nhật Bản mùa giải 2025/2026. Việc này tiếp tục cho thấy khát vọng làm mới mình của các cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam.
Lần thứ bảy và có thể nhiều hơn
Dù hợp đồng chưa chính thức được ký kết, nhưng đội bóng Nhật Bản đã đăng tải hình ảnh Thanh Thúy cùng số áo 16 trên trang web chính thức. Dự kiến, nếu mọi thủ tục thuận lợi, Thanh Thúy sẽ sang Nhật Bản vào tháng 9/2025 để kịp chuẩn bị cho mùa giải khởi tranh vào ngày 10/10 tới.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thể thao Bình Điền Long An, đơn vị chủ quản của đội bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An, nơi Thanh Thúy đang thi đấu cũng xác nhận về việc nắm bắt được nguyện vọng ra nước ngoài thi đấu của Thanh Thúy. Phía đơn vị này cũng khẳng định luôn tạo điều kiện để cô phát triển chuyên môn bằng cách thi đấu ở nước ngoài để tài năng hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam này có thể phát huy hết những phẩm chất chuyên môn của mình.

Thanh Thúy chuẩn bị có lần thứ 7 ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: VFV .
Trong hơn một năm qua, sự nghiệp thi đấu quốc tế của Thanh Thúy có nhiều biến động. Sau khi chia tay CLB PFU BlueCats (Nhật Bản) vào tháng 4-2024, cô tới Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu cho Kuzeyboru, rồi tiếp tục chuyển sang Indonesia khoác áo Gresik Petrokimia. Tuy nhiên, những chuyến xuất ngoại này không kéo dài khi Thanh Thúy không thể thi đấu đến hết hợp đồng với hai CLB trên. Chấn thương và sự cạnh tranh khốc liệt về chuyên môn buộc cô phải nói lời chia tay với những CLB này, đặc biệt là Kuzeyboru.
Đến đầu năm 2025, Thanh Thúy trở lại Việt Nam, thi đấu trong màu áo VTV Bình Điền Long An tại giai đoạn 1 Giải vô địch quốc gia. CLB hàng đầu Việt Nam là nơi phát hiện, đào tạo Thanh Thúy trở thành tài năng bóng chuyền bậc nhất Việt Nam và luôn là nơi cô trở về sau mỗi lần xuất ngoại để tậo luyện, thi đấu, giữ phong độ.
Việc Thanh Thúy thi đấu trong màu áo VTV Bình Điền Long An từ đầu năm 2025 cũng là cách để Thanh Thúy lấy lại phong độ. Tại giải đấu này, Thanh Thúy tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu khi dẫn dắt đội bóng chủ quản vào nhóm đầu. Tiếp đà phong độ tốt tại Giải vô địch quốc gia, cô cũng cùng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vô địch AVC Challenge Cup 2025 lần thứ ba liên tiếp, bản thân nhận danh hiệu “Chủ công xuất sắc nhất”. Sự trở lại mạnh mẽ ấy là nền tảng cho một cuộc chinh phục mới ở Nhật Bản.
Gunma Green Wings, đội bóng mà Thanh Thúy chuẩn bị đầu quân, mới giành quyền lên chơi tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia Nhật Bản từ năm ngoái, và đứng cuối bảng mùa giải 2024/2025 do không có ngoại binh chất lượng. Mùa này, họ đã chiêu mộ một loạt tên tuổi như phụ công số 1 Thổ Nhĩ Kỳ Nasya Dimitrova, đồng đội cũ của Thanh Thúy tại Kuzeyboru, và chủ công đội tuyển Ba Lan Olivia Rozanski. Theo quy định, mỗi CLB Nhật Bản được phép sử dụng tối đa 3 ngoại binh cùng lúc (1 người châu Á, 2 ngoài châu Á), và Thanh Thúy gần như chắc chắn sẽ giữ vai trò đánh chính trong sơ đồ chiến thuật của đội bóng.
Đây sẽ là lần thứ 7, Thanh Thúy ra nước ngoài thi đấu – một con số ấn tượng với một vận động viên nữ Việt Nam. Ngoài Nhật Bản (hai lần), cô từng thi đấu ở Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia. Và rất có thể, sau lần này, Thanh Thúy sẽ còn nhiều lần khác ra nước ngoài thi đấu. Dù không phải lần nào cũng suôn sẻ, nhưng điều quan trọng là Thanh Thúy luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận thử thách để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh thi đấu quốc tế.
Đi để biết mình ở đâu
Không chỉ Thanh Thúy, một số vận động viên bóng chuyền nữ Việt Nam khác cũng đang cho thấy xu hướng tích cực ra nước ngoài thi đấu. Phụ công Trần Thị Bích Thủy là trường hợp nổi bật. Trong mùa giải 2024/2025, cô thi đấu cho CLB GS Caltex Seoul Kixx (Hàn Quốc) theo hợp đồng ngắn hạn và nhanh chóng chứng tỏ năng lực. Từ vị trí cuối bảng, đội bóng có chuỗi 11 trận thắng sau khi Bích Thủy gia nhập, khép lại mùa giải với 12 chiến thắng và 39 điểm. Cô còn hai lần lọt vào đội hình tiêu biểu vòng đấu, điều rất hiếm với ngoại binh mới.
Dẫu vậy, không phải cầu thủ nào cũng dễ dàng có suất thi đấu quốc tế. Trong năm 2024, một số tuyển thủ quốc gia như Lê Thanh Thúy, Hoàng Thị Kiều Trinh hay Đoàn Thị Xuân từng đăng ký dự tuyển thi đấu tại Giải bóng chuyền nữ vô địch Hàn Quốc (V.League Hàn Quốc), nhưng không được chọn. Trở ngại chủ yếu nằm ở thể hình, ngoại ngữ và kinh nghiệm thi đấu quốc tế chưa đủ cạnh tranh so với các ứng viên đến từ châu Âu, Mỹ hay Nam Mỹ.
Điều này cũng cho thấy con đường xuất ngoại không hề bằng phẳng. Thành công cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, thể chất, ngoại ngữ, và sự hỗ trợ bài bản từ CLB lẫn Liên đoàn. Thanh Thúy và Bích Thủy thành công vì họ có nền tảng thể lực tốt, tinh thần cầu tiến, tư duy chuyên nghiệp và đặc biệt là ý chí vượt khó. Chặng đường xuất ngoại của Thanh Thúy và các đồng đội là minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy của vận động viên bóng chuyền nữ Việt Nam. Họ dám ra nước ngoài thi đấu để trưởng thành, chấp nhận rủi ro để đổi lấy tầm vóc. Không phải ai cũng thành công, nhưng việc bước ra khỏi "vỏ an toàn" để học hỏi đã là điều đáng ghi nhận.
Thực tế, nếu không có các CLB trong nước làm điểm tựa, các cầu thủ sẽ gặp khó khăn trong việc trở về nước trước khi chờ các lời mời thi đấu nước ngoài tiếp theo. Trong khi đó, chính các CLB cũng có ý thức chung về việc tạo điều kiện cho cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu. Đại diện đội VTV Bình Điền Long An thừa nhận rằng có thể Thanh Thúy sẽ không thi đấu ở giai đoạn 2 Giải vô địch quốc gia 2025 cho VTV Bình Điền Long An. Đó là thiệt thòi với CLB, nhưng VTV Bình Điền Long An chấp nhận để Thanh Thúy phát triển lâu dài. CLB cũng coi đây cũng là cách đóng góp thiết thực nhất cho bóng chuyền Việt Nam.
Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã chủ trương tạo điều kiện để cầu thủ xuất ngoại trong khoảng thời gian trống giữa hai giai đoạn thi đấu quốc nội. Bởi hệ thống thi đấu trong nước chỉ kéo dài vài tháng mỗi năm, nếu không thi đấu quốc tế, cầu thủ rất dễ bị "mất cảm giác" thi đấu, chuyên môn chững lại. Một số CLB như VTV Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang Lào Cai cũng chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu cầu thủ ra nước ngoài thi đấu lâu dài và chấp nhận hy sinh lực lượng, thành tích ở một số giai đoạn giải quốc nội.
Câu chuyện khát khao ra nước ngoài thi đấu ở làng bóng chuyền nữ Việt Nam cũng phù hợp với xu thế nâng tầm mà các nhà quản lý đang hướng tới. Rõ ràng, chỉ khi thi đấu liên tục ở những nền bóng chuyền giàu tính cạnh tranh hơn, các cầu thủ Việt Nam mới có thể tạo nên một đội tuyển quốc gia mạnh. Và ở khía cạnh nào đó, là sự truyền cảm hứng nâng tầm đến những môn khác cũng như trong chính làng bóng chuyền Việt Nam.
Lựa chọn an toàn
Trong khi nhiều cầu thủ bóng chuyền nữ tìm cơ hội ra nước ngoài thi đấu thì hiện tại, làng bóng đá Việt Nam vẫn chưa có trường hợp cầu thủ tiếp tục ra nước ngoài thi đấu sau khi những người như Quang Hải trở về nước vào cuối năm 2023. Hiện tại, thi đấu trong nước vẫn được xem là lựa chọn “an toàn” cho nhiều cầu thủ hàng đầu Việt Nam.
Minh Khuê