Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Công an

Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an... khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra (sửa đổi) được công bố trong cuộc họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước, diễn ra sáng 3/7.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết, luật sửa đổi đã lược bỏ các quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt.

"Luật Thanh tra quy định thống nhất một hoạt động "thanh tra", không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất quy định tại luật và các nghị định hướng dẫn thi hành", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Sửa đổi lần này, Luật Thanh tra đã quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra. Song song là quy định cơ chế phối hợp và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, điều tra, kiểm sát, kiểm tra.

Luật Thanh tra sửa đổi cũng bổ sung quyền mới cho Thanh tra Chính phủ, bởi sau khi sắp xếp lại, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có quyền "thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ với bộ không có Thanh tra bộ"; "thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có Thanh tra bộ".

Vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cũng thuộc quyền thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Luật quy định rõ Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quy định của luật, thanh tra lại được thực hiện khi có 1 trong 5 dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Gồm: Vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra; Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Thời hiệu thanh tra lại là 2 năm kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra. Khi có căn cứ quy định trên, cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra cấp dưới.

Với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thanh tra lại. Thời hạn thanh tra lại không vượt quá thời hạn của một cuộc thanh tra.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thanh-tra-chinh-phu-co-quyen-thanh-tra-lai-viec-da-co-ket-luan-cua-thanh-tra-bo-quoc-phong-cong-an-ar952478.html