THẢO LUẬN TẠI TỔ 19: CẦN CÓ GIẢI PHÁP MẠNH MẼ ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, đối với dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ để tăng hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hàng được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 19 nhất trí sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06 - CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Theo các đại biểu, việc bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là bảo đảm phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người. Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa các quy định áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam liên quan đến các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự…

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chỉ ra rằng, Tờ trình có nêu 90,4% phụ nữ bị bạo hành thể xác, hoặc tình dục nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ, như vậy là vụ việc không được đưa ra để xử lý. Đại biểu cho rằng đây là con số rất đáng quan ngại. Theo đại biểu dự thảo Luật lần này phải tăng được hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu rõ, Tờ trình có thống kê số vụ việc bạo lực gia đình, nhưng không thống kê số vụ giải quyết hay không giải quyết, giải quyết có hiệu quả hay không hiệu quả…. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chỉ ra rằng, tại khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật quy định “Hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để không làm phát sinh bạo lực gia đình hoặc chấm dứt bạo lực gia đình.”. Theo đại biểu, dự thảo Luật chỉ quy định hướng dẫn là chưa đầy đủ, phổ quát hết các hình thức hòa giải trong thực tiễn; mặt khác, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở, ngoài hướng dẫn ra còn có giúp đỡ. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các hình thức hòa giải khác như: giúp đỡ, giải thích, các biện pháp vận động, thuyết phục khác…

Ngoài ra, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, qua thực tiễn theo dõi, giám sát, tại địa bàn sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với các địa phương, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành phiên thảo luận tổ

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành phiên thảo luận tổ

Đại biểu Vũ Huy Khánh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đại biểu Vũ Huy Khánh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị rà soát đảm bảo tính khả thi của các quy định

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị rà soát đảm bảo tính khả thi của các quy định

Đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, dự thảo Luật lần này phải tăng được hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này

Đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, dự thảo Luật lần này phải tăng được hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị rà soát các quy định, đảm bảo nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị rà soát các quy định, đảm bảo nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đóng góp ý kiến vào một số điều khoản cụ thể của dự thảo Luật

Đại biểu Nguyễn Văn Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đóng góp ý kiến vào một số điều khoản cụ thể của dự thảo Luật

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=65224