THẢO LUẬN TỔ 13: LUẬT HÓA TỐI ĐA CÁC NỘI DUNG ĐÃ ĐƯỢC THỰC TIỄN KIỂM NGHIỆM TRONG DỰ THẢO LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đa số ý kiến tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang) nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Lưu trữ, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hiện đại, xã hội công nghệ điện tử.

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), các ý kiến phát biểu tại Tổ 13 đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, nhưng vẫn còn nhiều nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị Luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ các văn bản quy định chi tiết.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với quy định về giải thích từ ngữ (Điều 2), một số từ ngữ được giải thích chưa chuẩn về mặt ngôn ngữ, vì vậy tại khoản 5, đề nghị thay cụm từ “tài liệu” thành cụm từ “thông tin”, viết lại thành “Tài liệu lưu trữ là thông tin hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân,…” để thống nhất với nội dung tại khoản 1.

Tại khoản 7, đề nghị sửa cụm từ “Bản gốc tài liệu là bản mà” thành “Bản gốc tài liệu là thông tin”, viết lại thành “Bản gốc tài liệu là thông tin được khởi tạo hoàn chỉnh lần đầu và xác thực bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng đã tạo ra tài liệu”.

Tương tự tại khoản 8, đề nghị điều chỉnh thành “Bản chính tài liệu là thông tin được tạo lập từ bản gốc tài liệu, bảo đảm nội dung, hình thức như bản gốc và được xác thực bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng tạo ra bản gốc”.

Về xác định giá trị tài liệu (Điều 14), tại điểm a, khoản 3 Điều 14 quy định “Hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn là tài liệu có ý nghĩa, giá trị và được xác định thời hạn bảo quản 70 năm và dưới 70 năm”. Theo đại biểu quy định như vậy quá dài, người có thẩm quyền quản lý tài liệu, hồ sơ hoặc người lưu trữ có thể đảm bảo việc bảo quản tài liệu không. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể tại Thông tư vì thời hạn bảo quản của các ngành, lĩnh vực không giống nhau nên không thể quy định cụ thể tại Luật.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Về bổ sung Phụ lục IV của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15 (Điều 65), đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đánh giá, dự thảo đã bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, so với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư 2020.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, việc bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ phải phân tích sự cần thiết, đánh giá tác động, đánh giá tính hợp lý, khả thi của việc bổ sung này. Tuy vậy, trong nội dung Tờ trình lại không thấy đề cập đến việc bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới này, trong khi đây lại là một trong những quy định lớn của Dự thảo.

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 53 Dự thảo quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm: Chỉnh lý tài liệu; Bảo quản tài liệu lưu trữ; Số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Việc xác định các ngành nghề trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần được cân nhắc xem xét ở các điểm sau:

Nhà nước đang có chính sách “4. Xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. 5. Xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tài trợ, đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.” (khoản 4,5 Điều 4 Dự thảo). Việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược lại chính sách này.

Mặt khác, không nhận thấy lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng/tác động nếu không kiểm soát điều kiện của tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ lưu trữ tài liệu tư - đây là yếu tố quan trọng để xác định có cần thiết phải áp dụng điều kiện kinh doanh hay không. Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong hoạt động lưu trữ tư, các bên có thể tự thỏa thuận về việc lưu trữ để đảm bảo an toàn của tài liệu. Nhà nước không nhất thiết phải can thiệp vào mối quan hệ này.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không xác định các hoạt động trên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung để chứng minh sự phù hợp với Điều 7 Luật Đầu tư 2020 và quy định rõ các điều kiện kinh doanh dự kiến áp dụng đối với các ngành nghề này để có thể nhận diện rõ hơn về chính sách, đánh giá tính hợp lý của các điều kiện kinh doanh.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Tham gia góp ý vào quy định về yêu cầu bảo quản, thống kê tài liệu lưu trữ (Điều 20).dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung quy định:

“+ Đối với các hồ sơ chỉ mang tính chất thời vụ, được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định thì được phép hủy sau khi kết thúc sự việc đó.

+ Đối với các loại văn bản mang tính nội bộ chưa có trong quy định của pháp luật thì cơ quan, tổ chức được tự quyết định thời gian lưu trữ”

Đại biểu Trần Thị Vân cho biết, hiện nay tại Doanh nghiệp ngoài nhà nước có rất nhiều loại tài liệu chỉ sử dụng trong thời gian nhất định và không còn ý nghĩa sau khi vụ việc kết thúc như: hồ sơ xin việc, giấy chứng nhận có thời hạn,... nên cho phép Doanh nghiệp ngoài nhà nước được hủy sau khi kết thúc vụ việc. Đây chỉ là những loại tài liệu nội bộ để doanh nghiệp tăng cường kiểm soát trong quá trình hoạt động của mình.

Các văn bản quy phạm pháp luật không thể quy định chi tiết được hết về thời gian lưu trữ theo từng nhóm tài liệu của tất cả các loại tài liệu lưu hành tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, chưa kể đến số lượng, đầu mục của những tài liệu trong phạm vi này có thể tăng thêm nhiều hơn nữa theo quá trình phát triển của xã hội. Việc không thể quy định chi tiết được hết sẽ khiến cho những tài liệu không nằm trong danh mục nhóm “tài liệu không có quy định về thời gian lưu trữ” phải lưu trữ mãi mãi.

Về Kinh phí cho hoạt động lưu trữ (Điều 61), khoản 1, Điều 61 quy định: “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có mục cụ thể riêng, nằm trong khoản chi thường xuyên phân bổ kinh phí hàng năm cho các cơ quan, tổ chức. Chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ dẫn đến tình trạng tồn đọng, tích đống, chưa được chỉnh lý, lựa chọn để nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Để đảm bảo tính khả thi các quy định của Luật Lưu trữ trên thực tế khi ban hành, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ (Điều 9), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu ghép khoản 4 và 5 Điều 9 dự thảo Luật, giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ bảo quản tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở địa phương và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 7 Luật này.

Đại biểu phân tích, lưu trữ lịch sử cấp huyện đã không tồn tại từ khi thực hiện Luật Lưu trữ 2011. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm, việc giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và công tác bàn giao hồ sơ, tài liệu của cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã giữa các nhiệm kỳ không cơ quan, đơn vị nào đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra… dẫn đến hư hỏng, thất thoát tài liệu

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung, trong đó có nhiều nội dung mới được quy định khá cụ thể, toàn diện bao quát hoạt động về lưu trữ. Đại biểu đề nghị rà soát lại thể thức văn bản, bổ sung đầy đủ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn xây dựng luật.

Góp ý quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào khoản 4 Điều 2 về giải thích từ ngữ và viết lại theo hướng: “Lưu trữ là hoạt động lưu giữ lâu dài tài liệu theo quy định của pháp luật, nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân”.

Về chính sách của Nhà nước về lưu trữ (Điều 4), tại khoản 2, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ các cơ quan Đảng, Tổ chức chính trị xã hội để đảm bảo thống nhất với Điều 9 về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.

Đối với quy định về giá trị của tài liệu lưu trữ quy định tại Điều 5, đại biểu cho rằng, khoản 1 quy định: “Tài liệu lưu trữ là bằng chứng về hoạt động của nhà nước, xã hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân các thời kỳ lịch sử của Việt Nam” sẽ thiếu tài liệu lưu trữ của Đảng, do vậy cần nghiên cứu bổ sung đảm bảo đầy đủ và phù hợp với các nội dung trong dự thảo luật.

Đóng góp ý kiến liên quan đến quy định về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, điểm b khoản 5 Điều 57 quy định: Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Đại biểu cho rằng, quy định nội dung đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục chỉ là một phần trong quy định tại khoản 5, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật cần rà soát các quy định của luật liên quan.

Đối với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ quy định tại Điều 59 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 của dự thảo luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về lưu trữ. Bởi theo quy định của Luật Chính quyền địa phương, việc tổ chức quản lý nhà nước về lưu trữ được thực hiện từ cấp xã, bởi việc lưu trữ tài liệu từ cấp xã rất quan trọng. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy đinh trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc bảo quản tài liệu, hồ sơ, lưu trữ...

Toàn cảnh Tổ 13, gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang cho ý kiến vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Toàn cảnh Tổ 13, gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang cho ý kiến vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm điều hành nội dung thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu

Đại biểu Nguyễn Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức

Đại biểu Nguyễn Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn DDBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy đinh trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc bảo quản tài liệu, hồ sơ, lưu trữ.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn DDBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy đinh trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc bảo quản tài liệu, hồ sơ, lưu trữ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, một số từ ngữ trong phần giải thích từ ngữ chưa chuẩn về mặt ngôn ngữ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, một số từ ngữ trong phần giải thích từ ngữ chưa chuẩn về mặt ngôn ngữ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu ý kiến tại Tổ 13

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu ý kiến tại Tổ 13

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đóng góp ý kiến tại Tổ 13

Đại biểu Nguyễn Văn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đóng góp ý kiến tại Tổ 13

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu góp ý hoàn thiện dự thảo luật tại Tổ 13

Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu góp ý hoàn thiện dự thảo luật tại Tổ 13

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82073