Thật tự hào khi đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với cử tri, quê hương, đất nước

* Bà NGUYỄN THỊ DẬU, nguyên đại biểu Quốc hội khóa IV, V:

Tôi đã kịp thời báo cáo tình hình để Quốc hội đưa ra những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho khu vực Vĩnh Linh

Khi đang là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Vĩnh Giang, tôi được giới thiệu để bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Ngày được mọi người tin tưởng bỏ phiếu bầu làm ĐBQH khóa IV (1971-1975) tôi vui mừng khôn xiết. Cảm giác hạnh phúc đó đến nay vẫn khiến tôi bồi hồi khi nhớ lại. Tôi chính thức trở thành nữ đại biểu duy nhất trong Đoàn ĐBQH ở khu vực Vĩnh Linh mang bao tâm nguyện của Nhân dân đến với các kỳ họp Quốc hội. Lần đầu được ra Hà Nội tôi rất xúc động! Tôi được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Trước đây, mỗi kỳ họp Quốc hội chỉ diễn ra trong vòng 5-7 ngày nhưng chúng tôi phải di chuyển ròng rã suốt 15 ngày. Khi ấy, phương tiện đi lại chỉ duy nhất một chiếc xe chuyên đưa đón Đoàn ĐBQH các tỉnh. Vì vậy, tôi phải đi bộ quãng đường hơn 20 km từ xã Vĩnh Giang lên thị trấn Hồ Xá rồi cùng 2 đại biểu Trần Đồng, Hồ Ray đợi xe đón ra Quảng Bình. Trên con đường gập ghềnh, chằng chịt những hố bom đạn đó, Đoàn ĐBQH các tỉnh đã có dịp gặp nhau, dù thân quen hay mới gặp lần đầu đều tay bắt, mặt mừng xúc động ôm chầm lấy nhau. Suốt chặng đường dài ấy, chúng tôi nói với nhau biết bao câu chuyện đau thương nhưng anh dũng của miền Nam ruột thịt; cả những câu chuyện về tình hình chiến sự và xây dựng quê hương... Chúng tôi đi khi trên trời dày đặc tiếng gầm rú của máy bay địch, tiếng bom rơi, đạn nổ, có nhiều lúc xe phải dừng lại để mọi người kịp di tản xuống hầm, hào trú tránh.

Thời gian làm ĐBQH khóa IV (1971-1974), khóa V (1975-1976) đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Nhớ nhất là năm 1974, đó là lần đầu tôi đại diện cho đoàn đại biểu khu vực Vĩnh Linh báo cáo trước Quốc hội về tình hình chiến sự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lúc đó tôi cảm thấy hồi hộp vô cùng bởi cả hội trường rộng lớn đều lặng im chăm chú nghe tôi báo cáo. Làm ĐBQH thời kỳ ấy tuy khó khăn nhưng vô cùng tự hào. Sau nhiều ngày tham gia họp tại Thủ đô Hà Nội, được tiếp thu những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chúng tôi trở về quê hương và mang chủ trương, chính sách đó phổ biến rộng rãi trong toàn dân. Từ vùng biển Vĩnh Thái cho đến vùng núi Vĩnh Ô, Vĩnh Hà…ở đâu người dân cũng chào đón chúng tôi nồng nhiệt. Những cuộc tiếp xúc cử tri tuy tổ chức trong hầm, địa đạo, trong điều kiện thiếu ánh sáng nhưng người dân vẫn nhiệt tình mang theo ghế để ngồi nghe chúng tôi báo cáo và phát biểu tâm tư, nguyện vọng của mình.

Qua nhiều năm được Nhân dân tin tưởng bầu làm ĐBQH, tôi tự hào vì đã kịp thời báo cáo tình hình địa phương để Quốc hội đưa ra những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho khu vực Vĩnh Linh. Cùng với đó tích cực phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để Nhân dân hiểu rõ, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, vận động người dân lấp hố bom dựng lại nhà cửa, tập trung sản xuất để xây dựng quê hương... Từ những kinh nghiệm có được khi còn là ĐBQH, sau này tôi tiếp tục học tập và làm việc, góp sức mình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương.

* Ông LÊ VĂN HOAN, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII:

Tôi làm “nóng” nghị trường khi kiến nghị chia tỉnh Bình Trị Thiên

Tôi được tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa VII lúc đang giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Triệu Hải, một trong những huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Trị Thiên. Trước đó, từng theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội và rất ấn tượng với các đại biểu dân cử cương trực, thẳng thắn, đưa ra những ý kiến sắc sảo, chuyển tải trọn vẹn tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có một ngày mình sẽ trở thành một ĐBQH. Vì vậy, khi được tin tưởng bầu chọn, tôi rất phấn khởi, vui mừng xen lẫn sự hồi hộp, lo lắng. Cùng với các ĐBQH khác, tôi phải mày mò, tìm hiểu, học hỏi, lên kế hoạch cho mình để không trở thành “nghị gật”.

Nhận trọng trách ĐBQH, tôi xác định phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Bấy giờ tỉnh Bình Trị Thiên rất rộng lớn, đường sá đi lại khó khăn. Cuộc sống của cán bộ, đảng viên và người dân đều rất vất vả, ở vùng sâu, vùng xa nhận thức của người dân còn hạn chế. Cùng với các ĐBQH khác, tôi lặn lội đường sá xa xôi, cách trở, đi về từng thôn, bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có những chuyến đi phải trèo đèo, lội suối mất cả ngày trời. Nhưng niềm vui lớn nhất là đến nơi, chúng tôi thấy người dân đã đứng đợi, ánh mắt họ lấp lánh niềm tin và hy vọng. Những lúc ấy, tôi cứ ước ao mỗi ngày có nhiều hơn 24 giờ để có thêm thời gian phục vụ dân, phục vụ Quốc hội.

Sau khi đảm trách Bí thư Huyện ủy Triệu Hải, tôi vinh dự được bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng khác, là Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ, trong thời điểm nước nhà, tỉnh nhà gặp vô vàn khó khăn, thử thách, người dân mang khá nhiều tâm tư, nguyện vọng. Vì thế, trong mỗi buổi tiếp xúc cử tri, bà con gửi gắm rất nhiều ý kiến nên tôi và các ĐBQH khác luôn quan tâm, chú ý giải đáp ngay những thắc mắc của người dân. Tôi không nói cho hay, mà chú ý đến việc nói cho có tình, có lý để bà con hiểu, thấu cảm. Với những ý kiến vượt tầm giải quyết, chúng tôi cẩn thận tìm hiểu kỹ, ghi chép lại để đề đạt lên cấp trên. Chúng tôi xác định: “Không tiếp thu, không giải đáp, không đề đạt thì đừng nên làm ĐBQH”.

Ở nghị trường Quốc hội, tôi nỗ lực chuyển tải một cách tốt nhất tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tôi phát biểu thẳng thắn, không e ngại, không để mình trở thành “nghị thinh”, “nghị gật”. Tôi luôn tin, cái gì Quốc hội trước mắt không thể giải quyết thì sau này sẽ giải đáp được. Vinh dự đến nghị trường, tôi phải có cái đem về trả lời với dân. Cũng vì tính cách thẳng thắn, không e ngại mà tôi đã khá nhiều lần làm “nóng” nghị trường. Tháng 3/1989, là Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên, tôi chuyển tải tâm nguyện của người dân về việc chia tách tỉnh. Bấy giờ, nhiều người đã sửng sốt khi nghe tôi dẫn câu nói của người dân phản ánh thực trạng quy mô tỉnh quá lớn nên sự chỉ đạo không sát cơ sở, dân gặp khó khăn khi tìm đến lãnh đạo tỉnh: “Tỉnh dài, huyện rộng, xã to, Đảng lo việc Đảng, dân lo việc mình”. Sau này, khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trở lại với tên riêng và có những bước phát triển mới, nhiều người vẫn trìu mến nhắc lại ý kiến của tôi trong lần họp Quốc hội vào đầu năm 1989.

10 năm làm ĐBQH, tôi trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Điều đọng lại lớn nhất chính là niềm vui. Tôi vui vì được người dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; vì đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; vì những ý kiến thẳng thắn của mình được lắng nghe và giải quyết; vì đã góp phần giúp dân hiểu, đồng cảm, chia sẻ và thêm tin yêu Đảng, Nhà nước, Quốc hội… So với chúng tôi ngày xưa, các ĐBQH hôm nay gặp nhiều thuận lợi hơn. Nhưng bao giờ cũng thế, thuận lợi luôn đi kèm với thách thức. Tôi mong các đại biểu của dân luôn làm việc, cống hiến với một cái đầu lạnh và một trái tim ấm áp.

* Ông HÀ SỸ ĐỒNG, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV:

Làm đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm với tinh thần chuyên nghiệp

Quốc hội Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Quốc hội khóa XIV cũng đã sắp hết nhiệm kỳ 5 năm với chặng đường cuối vô cùng đặc biệt. Vậy nhưng trong năm 2020, “cú sốc” mang tên COVID-19 đã tạo ra một phương thức hoàn toàn mới trong hoạt động của Quốc hội khi lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội họp trực tuyến.

Trước khi kỳ họp cuối năm khai mạc, một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên tai. Tôi nhớ ngày 18/10/2020, tức là chỉ còn hai ngày nữa Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp mới thì 2 giờ sáng, sau cuộc họp khẩn cấp tại trụ sở UBND tỉnh, tôi đã lên đường chỉ huy cứu nạn vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện Hướng Hóa với trọng trách trưởng đoàn. Tối ngày 19/10, việc tìm kiếm 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 337 đã hoàn tất nhưng còn nhiều xã có người mất tích nên đoàn cứu nạn vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ. Lúc này một số phóng viên điện thoại hỏi tôi có về dự khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội được không? - Phải cứu dân đã, tôi trả lời. Trả lời như thế nhưng trong tôi vẫn canh cánh nỗi lo làm sao để vừa hoàn thành nhiệm vụ cấp bách nơi tâm điểm của thiên tai, vừa làm tròn trách nhiệm của người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bởi cho dù là trong lập pháp, giám sát, hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì sức nặng của lá phiếu ở nghị trường là như nhau, không phân biệt đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm. Ý thức được điều này từ 10 năm trước, khi bắt đầu làm ĐBQH khóa XIII, tôi không bao giờ có suy nghĩ nặng - nhẹ giữa hai nhiệm vụ lãnh đạo UBND tỉnh và ĐBQH. Bởi từ lãnh đạo, chỉ đạo, bám cơ sở trong thực thi nhiệm vụ hằng ngày của mình, tôi hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của cử tri, hiểu hơn trách nhiệm phải phản ánh những nguyện vọng đó đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, để những quyết sách từ nghị trường nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Kinh nghiệm sau một nhiệm kỳ khóa XIII làm đại biểu của dân đã giúp tôi thấm thía sâu sắc một điều rằng, dù làm đại biểu kiêm nhiệm, nhưng chỉ khi hoạt động với tinh thần chuyên nghiệp, với trách nhiệm “chuyên trách” thì mới không phụ sự tin cậy, gửi gắm của cử tri. Với tinh thần đó, khi được cử tri tín nhiệm tiếp tục bầu làm ĐBQH khóa XIV, tôi đã cố gắng bố trí, sắp xếp, kết hợp hài hòa hơn cả hai nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ làm người đại diện cho dân để cả hai công việc đều đạt hiệu quả cao nhất.

Năm 2020, thiên tai, dịch bệnh đã khiến chương trình nghị sự của Quốc hội có sự thay đổi và ảnh hưởng đến công việc của đại biểu, đặc biệt là những đại biểu kiêm nhiệm vất vả gấp nhiều lần. Khi Quốc hội họp trực tuyến, việc không ra Hà Nội ở tập trung đã giúp tôi linh hoạt hơn, vừa tranh thủ điều hành công việc ở địa phương, vừa tham gia thảo luận, góp ý những nội dung được bàn thảo tại kỳ họp. Nhưng đợt họp trực tiếp thì cuối tuần vẫn phải tranh thủ về địa phương, xuống tận thôn xóm để trực tiếp chỉ đạo sơ tán dân, phòng chống bão, lũ. Dù bận rộn là thế nhưng đã là người đại diện cho dân thì không thể xa dân lúc khó khăn, hoạn nạn; lại càng không thể thảo luận hời hợt, góp ý qua loa tại nghị trường. Bởi thế, việc tranh thủ nghiên cứu tài liệu, tham vấn chuyên gia được thực hiện bất cứ lúc nào, kể cả trong phòng chờ máy bay hay ngày nghỉ.

Nếu như ở nhiệm kỳ trước, vấn đề tôi kiên trì theo đuổi, nghiên cứu để đóng góp tại các phiên thảo luận là cải cách thể chế, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì đến nhiệm kỳ này tôi quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề mới phát sinh cần có quyết sách từ nghị trường. Đó là hạn chế nạn hoành hành của “tín dụng đen”, một tệ nạn khiến bao gia đình gánh chịu hậu quả nặng nề. Đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; là bài toán ngân sách khi kinh tế sụt giảm nặng nề; là sự đầu tư thích đáng hơn để ổn định người dân vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai... Do thời gian có hạn, không phải phiên thảo luận toàn thể nào tại hội trường tôi đăng ký cũng đều được phát biểu nhưng mỗi kỳ họp tôi đều dồn tâm sức để sẵn sàng tham gia thảo luận về những vấn đề đang được cử tri quan tâm nhất đang chờ Quốc hội đồng thuận quyết định. Đặc biệt là những vấn đề gai góc, có “động chạm”, bởi Quốc hội không chỉ thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách mà còn giám sát tối cao nhiều vấn đề nóng của cuộc sống.

Có phóng viên hỏi tôi rằng, là đại biểu kiêm nhiệm, lại giữ trọng trách ở tỉnh, sao ông “hăng” chất vấn, không ngại “động chạm” sao? Tôi trả lời ngay từ khi được giới thiệu ứng cử, nếu mình tự xác định là sợ “động chạm” hoặc không thể thực hiện được lời hứa với cử tri thì không nên nhận đề cử làm người đại diện cho dân. Ứng cử ở Quảng Trị, công tác tại Quảng Trị, đương nhiên sự quan tâm sâu sắc nhất của tôi dành cho tâm tư, nguyện vọng cử tri nơi đã tín nhiệm mình. Nhưng, mỗi ĐBQH còn gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của cử tri cả nước trao gửi. Bởi thế, khi Quốc hội khóa XIV tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, cũng là hoạt động chất vấn trực tiếp cuối cùng của nhiệm kỳ này, tôi đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ rằng: Chính phủ nhận định “làn sóng” COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài hơn dự kiến nên kịch bản ứng phó của Chính phủ như thế nào? Kịch bản kinh tế xấu nhất là gì, đặt trong bối cảnh điều kiện thực tế của Việt Nam?

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang kiên cường chống COVID-19, nhưng vẫn có mức tăng trưởng đáng khích lệ, Quốc hội vẫn đang đồng hành với Chính phủ chăm lo đời sống cho Nhân dân cả nước. Và mỗi ĐBQH vẫn canh cánh với tình hình chung của đất nước, khi một nhiệm kỳ mới sắp đến, một nhiệm kỳ mới với những kỳ vọng phát triển mới trên đất nước thân yêu của chúng ta.

Nhóm Phóng Viên (lược ghi)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=154243