Thay đổi mức giảm trừ gia cảnh: Không thể để quá lâu!

Mức giảm trừ gia cảnh đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay quá bất cập, tác động tiêu cực đến đời sống người dân và việc thực hiện một số chính sách của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, nếu phải chờ đến khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% hoặc sửa Luật Thuế TNCN thì sẽ rất lâu.

Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, trường hợp chỉ số CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng hiện nay được Bộ Tài chính lấy mức 9 triệu đồng (năm 2013) nhân với tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2019 so với năm 2013 là 23%. Cách tính này đúng luật nhưng chưa phù hợp, sát với thực tế cuộc sống, vì chờ CPI tăng 20% là quá lâu, sẽ thiệt thòi cho người lao động. Với những người làm công ăn lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu hằng ngày, vì chủ yếu chi cho nhu cầu thiết yếu, mà hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thường tăng cao hơn so với mặt bằng giá cả.

Không chỉ bất hợp lý, lạc hậu so với thực tế xã hội, đời sống, thu nhập của người dân, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay còn tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đáng chú ý nhất là việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Cụ thể, điểm c, khoản 1, Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, đối tượng được mua NƠXH phải “thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế TNCN”.

 Quy định về thuế thu nhập cá nhân là một trong những nguyên nhân khiến tòa nhà CT3 ở Khu đô thị nhà ở xã hội Lan Hưng, phường Hồ (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) mới bán được 60 căn. Ảnh: NGUYỄN THAO

Quy định về thuế thu nhập cá nhân là một trong những nguyên nhân khiến tòa nhà CT3 ở Khu đô thị nhà ở xã hội Lan Hưng, phường Hồ (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) mới bán được 60 căn. Ảnh: NGUYỄN THAO

Tuy nhiên, với mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, nhiều công nhân đã không được thụ hưởng chính sách về NƠXH. Anh Trần Văn Tiến, công nhân Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, hai vợ chồng tôi đều phải làm tăng ca. Sau khi trừ các khoản được giảm trừ, tôi có phát sinh thuế TNCN khoảng vài chục nghìn đồng nên không được hưởng chính sách về NƠXH. Đáng nói nữa là khoản chi phí khám, chữa bệnh, học hành của gia đình tôi lại không được tính để giảm trừ, như thế rất bất cập. Tôi kiến nghị cần thay đổi định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay để phù hợp với thực tế xã hội hơn”.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thao, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng và ông Nguyễn Việt Chung, cán bộ kinh doanh tại Dự án NƠXH cho người lao động trong Khu công nghiệp xã Đồng Tiến, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: “Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá bất cập khiến nhiều công nhân phát sinh thuế TNCN chỉ vài nghìn đồng mà không thể mua NƠXH. Ngược lại, để được ngân hàng chấp thuận cho vay vốn, họ lại phải có thu nhập khá. Chính vì thế, doanh nghiệp không thể bán được nhà để thu hồi vốn. Hàng trăm căn hộ đã hoàn thiện vài năm nay nhưng mới chỉ bán được vài chục căn”.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, thông tin thêm: “Thực tế hiện nay, nhiều công nhân phải nộp thuế TNCN (thực chất thu nhập cao hơn bình thường do làm tăng ca, làm thêm giờ...) nhưng phần lớn thu nhập sau khi nộp thuế đều gửi về gia đình, chỉ giữ lại một phần nhỏ để chi tiêu hằng ngày, cuộc sống hết sức khó khăn vẫn không đủ điều kiện để hưởng chính sách về NƠXH. Bên cạnh đó, hiện có nhiều trường hợp phải nộp thuế TNCN với mức nộp rất ít (cá biệt có trường hợp phải nộp 8.000 đồng tiền thuế TNCN do không quyết toán đúng quy định) nhưng vẫn không được thụ hưởng chính sách về NƠXH. Chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện chính sách để phù hợp với tình hình thực tế”.

Theo chúng tôi được biết, trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế TNCN sửa đổi và đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026. Như vậy, rất có thể phải chờ thêm khoảng 3 năm nữa thì quy định về định mức giảm trừ gia cảnh mới được thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách về NƠXH và đời sống người dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp. Vì thế, việc trước mắt là cần phải thay đổi định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay.

Tiếp đến, cần khắc phục triệt để những bất cập lớn của Luật Thuế TNCN đã được Báo Quân đội nhân dân đề xuất trong bài viết “Xử lý những bất cập lớn của Luật Thuế TNCN” đăng trên số báo ra ngày 2-3-2023, như: Thiết kế quy trình tối ưu hóa để khi CPI chạm ngưỡng biến động 5%, 10% hoặc một tỷ lệ ấn định nào đó thì mức giảm trừ gia cảnh kỳ gần nhất sẽ điều chỉnh tự động theo các mức được ấn định tương ứng và áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo mà không cần thiết phải thực hiện quy trình soạn thảo văn bản và họp để quyết định. Quy định mức giảm trừ gia cảnh dựa trên mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng; kết hợp giữa khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý)...

LINH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thay-doi-muc-giam-tru-gia-canh-khong-the-de-qua-lau-743522