Thấy gì ở Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu?

Một trong những sự kiện đặc biệt gây chú ý cuối tuần qua là việc công bố Biên bản ghi nhớ thiết lập Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC). Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman đưa ra thông báo này bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại New Delhi.

Thúc đẩy hội nhập chuyển đổi số châu Á, vùng Vịnh và châu Âu

Được ký kết bởi Ảrập Xêút, Mỹ, EU, Ấn Độ, UAE, Pháp, Đức và Italy, Biên bản ghi nhớ này tuyên bố rằng IMEC dự kiến sẽ kích thích phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng Vịnh và châu Âu.

IMEC sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt, hành lang phía Đông nối Ấn Độ với vùng Vịnh và hành lang phía Bắc nối vùng Vịnh với châu Âu.

Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman Al Saud và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman Al Saud và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Vành đai này sẽ bao gồm một tuyến đường sắt “cung cấp mạng lưới vận chuyển từ tàu đến đường sắt xuyên biên giới đáng tin cậy và hiệu quả về mặt chi phí để bổ sung cho các tuyến vận tải đường biển và đường bộ hiện có - cho phép hàng hóa và dịch vụ vận chuyển đến, đi và giữa các nước Ấn Độ, UAE, Ảrập Xêút, Jordan, Israel và Châu Âu”, Biên bản ghi nhớ nêu rõ.

“Dọc theo tuyến đường sắt, các nước tham gia dự định cho phép lắp đặt cáp để kết nối điện và kỹ thuật số, cũng như đường ống để xuất khẩu hydro sạch. Hành lang này sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng khu vực, tăng khả năng tiếp cận thương mại, cải thiện thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ tăng cường chú trọng vào các tác động của chính phủ và xã hội đối với môi trường”, Biên bản ghi nhớ cho biết.

Các quốc gia tham gia kỳ vọng hành lang này sẽ “tăng hiệu quả, giảm chi phí, tăng cường thống nhất kinh tế, tạo việc làm và giảm phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy hội nhập mang tính chuyển đổi của châu Á, châu Âu và Trung Đông”.

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Ảrập Xêút đưa tin: “Dự án này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển điện tái tạo và hydro sạch thông qua cáp truyền tải và đường ống cũng như xây dựng các tuyến đường sắt; đồng thời nhằm tăng cường an ninh năng lượng, hỗ trợ các nỗ lực phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số thông qua kết nối kỹ thuật số và truyền dữ liệu qua cáp quang, đồng thời thúc đẩy thương mại và vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và qua cảng”.

Nhà phân tích Ali Shihabi của Ảrập Xêút cho biết trên nền tảng X (trước là Twitter): “Điều này phù hợp với kế hoạch của Ảrập Xêút nhằm phát triển Vương quốc này thành một trung tâm hậu cần phục vụ Tây Á, Châu Âu, Trung Đông và Đông Phi”.

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Mối quan hệ đối tác mang tính thay đổi có tiềm năng mở ra một kỷ nguyên mới về kết nối từ châu Âu đến châu Á bằng tuyến đường sắt, nối qua các cảng, được kết nối bởi Trung Đông. Điều này sẽ tạo ra những kết nối mới để tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu, mở rộng khả năng tiếp cận nguồn điện đáng tin cậy, tạo điều kiện phân phối năng lượng sạch và tăng cường liên kết viễn thông”.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, các đối tác sáng lập của dự án có ý định hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân để: “Kết nối Ấn Độ với châu Âu - được kết nối bằng tuyến đường sắt và các cảng hiện có thông qua UAE, Ảrập Xêút, Jordan và Israel - điều đó sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế đồng thời khuyến khích đầu tư mới và tạo ra việc làm có chất lượng”.

Ngoài ra, các nước sáng lập sẽ hướng tới: “Kết nối hai châu lục với các trung tâm thương mại và tạo điều kiện phát triển và xuất khẩu năng lượng sạch; Hỗ trợ sự phối hợp thương mại và sản xuất hiện có, đồng thời tăng cường an ninh lương thực và chuỗi cung ứng. Và Liên kết các lưới năng lượng và đường dây viễn thông thông qua các tuyến cáp dưới biển để mở rộng khả năng tiếp cận nguồn điện đáng tin cậy, cho phép đổi mới công nghệ năng lượng sạch tiên tiến và kết nối cộng đồng với Internet an toàn và ổn định.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi thông báo về hành lang này là một “sự phát triển lớn”, theo tờ Times of Israel. Ông mô tả sáng kiến này là “một dự án hợp tác vĩ đại nhất trong lịch sử của chúng ta” và là một dự án “đưa chúng ta đến một kỷ nguyên mới về hội nhập và hợp tác khu vực và toàn cầu, chưa từng có và độc đáo trong phạm vi của nó”.

Ông nói thêm rằng hành lang mới “sẽ mang lại hiện thực cho một tầm nhìn kéo dài nhiều năm sẽ thay đổi bộ mặt của Trung Đông và Israel”.

Ý nghĩa về mặt chiến lược

Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ do Mỹ dẫn dắt ra đời trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách củng cố lại vị trí ở khu vực vốn đang dần nhường chỗ cho Trung Quốc. Trung Đông là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tài trợ hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi. Hồi tháng 3, Bắc Kinh đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc đối địch trong khu vực là Ảrập Xêút và Iran.

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao rộng lớn hơn ở Trung Đông, với việc thúc đẩy Ảrập Xêút bình thường hóa quan hệ với Israel. Một khi quan hệ giữa vương quốc Ảrập hàng đầu này và Israel hòa dịu, quốc gia Do Thái cũng có thể tham gia dự án đường sắt và mở rộng phạm vi tiếp cận tới châu Âu thông qua các cảng biển của họ.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Al Saud và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/thay-gi-o-hanh-lang-kinh-te-an-do-trung-dong-chau-au--i342584/