Thấy gì qua chuyến thăm Iraq của ông Erdogan?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến Iraq vào ngày 22/4 trong chuyến thăm kéo dài hai ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới quốc gia láng giềng này sau hơn 12 năm làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan đã tới thăm Baghdad và cả Erbil, khu tự trị của người Kurd ở Iraq và rất gần Ankara. Đây là chuyến thăm quan trọng vì hai nước đã cùng ký kết khoảng 20 hiệp định song phương. Nhưng vấn đề ưu tiên nhất của Ankara liên quan đến cuộc chiến chống lại PKK vẫn chưa có được kết quả rõ ràng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Iraq Mohamed Chia al-Soudani tại Bagdad.

Kết thúc 2 ngày thăm Baghdad trước khi lên đường đến khu người Kurd ở Iraq gặp chủ tịch tỉnh bán tự trị, ông Erdogan đã ký tổng cộng 26 thỏa thuận hoặc biên bản ghi nhớ với chính quyền Iraq. Theo đó, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hợp tác ở mọi cấp độ. Tiến bộ lớn đối với Baghdad là ký kết thỏa thuận khung về quản lý nước. Với thỏa thuận 10 năm này, hai nước cam kết phân phối công bằng hơn các vùng nước của sông Tigris và Euphrates, cho đến nay vẫn do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và cùng hợp tác để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm đối phó biến đổi khí hậu.

Vấn đề chia sẻ tài nguyên nước, một vấn đề từ lâu đã gây căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng này. Baghdad trong nhiều năm đã yêu cầu Ankara xả lượng nước lớn hơn vào sông Tigris và Euphrates, hai con sông bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ trước khi chảy vào lãnh thổ Iraq. Bị ảnh hưởng bởi hạn hán, Iraq chỉ trích các con đập được xây dựng ở thượng nguồn Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm dòng chảy của các con sông khi chúng đến lãnh thổ của Iraq. Hạn hán ở Iraq và vấn đề khí hậu cũng nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng này. Thổ Nhĩ Kỳ luôn được coi là “cung điện nước” trong khu vực với trữ lượng nước đáng kể.

Ngược lại, Iraq, giống như một số quốc gia khác ở Trung Đông, đang trong tình trạng hoặc sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Iraq đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về việc chia sẻ nguồn nước, đặc biệt là con sông Tigris, vì nước này đã xây dựng những con đập lớn làm giảm lượng nước chảy vào Iraq.

Sở dĩ đây là một kết quả bất ngờ vì trước đó các chuyên gia như Didier Billion, Phó Giám đốc Iris (Viện nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế Pháp), chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, đều nhận định vấn đề này có thể khó đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán. Nếu ở cấp độ kinh tế, các chủ đề liên quan đến lợi ích chung có thể được kết luận khá dễ dàng, thì vấn đề về nước có nguy cơ trở nên phức tạp hơn và các bên đều hiểu rõ rằng điều này đang dần trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia ở Trung Đông.

Một thành công khác về phía Iraq là một bản ghi nhớ đã được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất để hoàn tất lộ trình phát triển. Dự án đường sắt và đường bộ nối Vịnh Arab-Ba Tư với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp phát triển nền kinh tế và ngành công nghiệp của Iraq. Đây là dự án đầy tham vọng của Iraq nhằm xây dựng một con đường và tuyến đường sắt nối bờ biển Vịnh Arab-Ba Tư của Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ và xa hơn nữa là đến châu Âu. “Con đường phát triển” này mới chỉ ở giai đoạn phôi thai, nhưng rất được Ankara quan tâm. Tuy nhiên, nó đòi hỏi nguồn tài trợ khổng lồ, ước tính khoảng hơn 17 tỷ USD của Chính phủ Iraq.

Một khía cạnh kinh tế khác cũng rất quan trọng đã được hai bên thảo luận. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi về hợp tác năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ. Đây là vấn đề lớn và nhạy cảm trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq. Chuyến thăm của ông diễn ra chỉ hơn một năm sau khi đóng cửa đường ống dẫn dầu Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ, nơi từng cung cấp khoảng 0,5% nguồn cung dầu của thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng hoạt động đường ống sau khi phán quyết của trọng tài quốc tế cho thấy nước này đã vi phạm các điều khoản của hiệp ước bằng cách tạo điều kiện xuất khẩu dầu từ khu vực tự trị của người Kurd mà không có sự đồng ý của chính phủ Baghdad.

Tòa án yêu cầu nước này phải bồi thường thiệt hại cho Baghdad 1,5 tỷ USD. Một phán quyết đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ, đồng thời khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Iraq mà nước này không muốn can thiệp, giữa chính quyền trung ương và khu vực người Kurd. Tuy nhiên, không thấy hai bên nói đến kết quả đàm phán về vấn đề này trong tuyên bố chung. Từ một năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ không xuất khẩu dầu của Kurd nữa. Kết quả là khu tự trị người Kurd không còn tiền để trả lương nhân viên từ tháng 9/2023 đến nay.

Vấn đề lớn và được Ankara kỳ vọng nhất trong chuyến thăm lần này là về vấn đề an ninh, thì thỏa thuận còn mơ hồ hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, người đang đe dọa một cuộc tấn công trên bộ chống lại PKK ở miền Bắc Iraq, nói rằng các cuộc thảo luận đang được tiến hành để xác định các biện pháp sẽ được thực hiện chung chống lại nhóm vũ trang bị Ankara coi là khủng bố. Không nêu rõ bằng cách nào, đến lượt Baghdad cam kết giành lại quyền kiểm soát các khu vực có nhóm vũ trang.

Trên bàn thương lượng giữa chính quyền khu tự trị người Kurd của Iraq và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một chủ đề bất đồng liên quan đến PKK, đảng dân tộc chủ nghĩa người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, đang trong chiến tranh với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều lực lượng của PKK cố thủ tại khu tự trị của người Kurd, suốt dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh bật lực lượng mà Ankara coi là khủng bố, ra khỏi khu vực nói trên, trong lúc chính quyền khu tự trị cho phép lực lượng du kích của PKK trú đóng tại vùng lãnh thổ này.

Trong buổi gặp mặt giữa ông Erdogan và lãnh đạo khu người Kurd, đã không có thông báo cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng của chuyến công du của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện rõ. Tại thủ phủ Erbil của khu tự trị, hàng trăm quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ được treo trên đường phố, hay chiếu hình lên các tòa nhà. Chân dung của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có mặt khắp nơi trên các áp phích quảng cáo. Tất cả là vì một chuyến thăm kéo dài 3 giờ.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/thay-gi-qua-chuyen-tham-iraq-cua-ong-erdogan--i729725/