Thấy gì qua việc Thường trực Tỉnh ủy kiểm điểm trực tiếp hằng năm trước Ban Chấp hành Đảng bộ

Thông thường trước đây, cứ đến mỗi kì đại hội đảng, cấp ủy các cấp mới kiểm điểm trước đại hội. Nhưng ở Đảng bộ Quảng Trị, từ đầu nhiệm kì 2015 - 2020 đến nay, hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp thực hiện kiểm điểm trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Việc làm này thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu, tính tiên phong, sự nghiêm túc trong công tác tự phê bình, phê bình trong Đảng, từ đó để mỗi đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy nêu gương, khắc phục những mặt còn hạn chế, khuyết điểm; phát huy ưu điểm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng khảo sát tình hình kinh tế - xã hội tại xã Triệu Giang, Triệu Phong. Ảnh: Huy Nam

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng khảo sát tình hình kinh tế - xã hội tại xã Triệu Giang, Triệu Phong. Ảnh: Huy Nam

Xây dựng quy chế và tiêu chí đánh giá cán bộ

Trong công tác cán bộ, từ trước đến nay khâu khó nhất vẫn là đánh giá cán bộ. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kì nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Xác định thực trạng đó, đồng thời lựa chọn khâu then chốt của lĩnh vực then chốt trong công tác xây dựng Đảng là công tác cán bộ nên ngay từ đầu nhiệm kì 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã xây dựng Quy chế đánh giá cán bộ, công chức diện Ban Thường vụ quản lí và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá. Quy chế và Bộ tiêu chí đã xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ kèm theo các thang điểm cụ thể; kết hợp cả phương pháp đánh giá theo nhận xét với phương pháp đánh giá theo tiêu chuẩn và cho điểm, mở rộng thành phần tham gia ý kiến nên đánh giá cán bộ sát đúng hơn, khắc phục tình trạng chung chung. Kết quả đạt được rõ nhất của việc thực hiện Quy chế và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ là đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền đánh giá cán bộ cho các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị. Nếu như trước đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải kết luận nhận xét, đánh giá đối với trên 420 trường hợp thì sau khi triển khai Quy chế chỉ kết luận, nhận xét, đánh giá 90 trường hợp, giảm 78,57%; số cán bộ còn lại giao cho huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng đánh giá và chấm điểm. Quy trình đánh giá được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, được thể hiện một cấp độ cao hơn.

Nhìn chung, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Quy chế đánh giá cán bộ công khai, đúng đối tượng, nguyên tắc, yêu cầu. Qua đánh giá cán bộ theo Bộ tiêu chí bước đầu phản ánh được năng lực, mức độ tín nhiệm cán bộ được đánh giá, đã góp phần khắc phục tình trạng chung chung trong nhận xét, đánh giá cán bộ và xác định cụ thể mối liên hệ giữa kết quả của tập thể và trách nhiệm của cá nhân. Các kết luận và phân loại cán bộ đúng và sát hơn nhờ việc kết hợp cả phương pháp đánh giá theo nhận xét với phương pháp đánh giá theo tiêu chí và cho điểm. Nếu như trước đây hầu hết cán bộ diện Ban Thường vụ quản lí được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đến nay, khi thực hiện quy chế đánh giá cán bộ, số cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm; năm 2018, tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 2/13 đồng chí, tỉ lệ 15,3%; cấp huyện cũng giảm tương tự như cấp tỉnh. Điều cũng có thể nhận thấy là không có trường hợp nào đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ mà có cá nhân người đứng đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là kênh quan trọng để có cơ sở áp dụng chế tài đối với đảng viên có mức độ tín nhiệm thấp và được đánh giá thấp.

Thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm nêu gương

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI từ đầu nhiệm kì có 53 đồng chí, trong đó có 15 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hiện nay do một số đồng chí chuyển công tác và nghỉ hưu, có một số đồng chí được bầu bổ sung, Đảng bộ tỉnh hiện có 50 đồng chí trong Ban Chấp hành, trong đó có 12 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hằng năm, trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ dành một thời gian nhất định để đánh giá, chấm điểm cán bộ. Trong nhiệm kì này, lần đầu tiên các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trực tiếp đánh giá và chấm điểm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu kết quả chấm điểm của Ban Chấp hành gắn với kiểm điểm cá nhân để bỏ phiếu chấm điểm, xếp loại các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy.

Là một trong những người được trực tiếp dự các cuộc kiểm điểm của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, chúng tôi nhận thấy việc chuẩn bị bản tự kiểm điểm của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy là nghiêm túc, đánh giá sát các mặt phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác; những hạn chế, khuyết điểm và giải pháp để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Mặt khác, những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy là đúng mực, chân thành, từ nhận xét về mặt ưu điểm cũng như khuyết điểm, hạn chế. Trong thảo luận, có những ý kiến góp ý rất thẳng thắn, kể cả góp ý về phong cách điều hành, chỉ đạo công việc cụ thể hằng ngày. Cũng có ý kiến trao đổi qua lại về mặt cá tính của mỗi đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, không khí rất sôi nổi, nghiêm túc, tuy nhiên khi chấm điểm cho mỗi đồng chí thì rất tập trung. Từ số phiếu được công bố tại cuộc họp, mỗi đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy có thể đối chiếu với kết quả tự chấm điểm với kết quả chấm điểm của Ban Chấp hành… Để đánh giá tổng thể hiệu quả về việc Thường trực Tỉnh ủy kiểm điểm trực tiếp hằng năm trước Ban Chấp hành có thể phải chờ đến dịp tổng kết vào cuối nhiệm kì, nhưng qua kết quả ban đầu, chúng tôi nhận thấy, đây là việc làm thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy địa phương, của tập thể Thường trực Tỉnh ủy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của tập thể, trước hết là trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Mặt khác, qua việc tự phê bình và phê bình, mỗi đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy có thể tự điều chỉnh bản thân, hoàn thiện chương trình công tác để làm tròn nhiệm vụ được giao. Và một khi những ưu, khuyết điểm của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy được công khai hằng năm trong cuộc họp tổng kết công tác xây dựng Đảng cũng thể hiện trách nhiệm nêu gương, góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong Thường trực Tỉnh ủy, từ đó tạo sự đoàn kết , thống nhất trong Ban Chấp hành Đảng bộ, trong toàn thể Đảng bộ tỉnh…

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính kiểm tra mô hình trồng thực nghiệm cây sâm Bố Chính tại thôn An Nha, xã Gio An, Gio Linh. Ảnh: Đức Việt

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính kiểm tra mô hình trồng thực nghiệm cây sâm Bố Chính tại thôn An Nha, xã Gio An, Gio Linh. Ảnh: Đức Việt

Cùng với việc kiểm điểm trực tiếp trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, việc đánh giá hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Thường trực Tỉnh ủy còn được thể hiện qua kênh thăm dò dư luận xã hội, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện. Kết quả điều tra dư luận xã hội trong các năm 2017, 2018 cho thấy, phần lớn các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đều được các tầng lớp nhân dân đánh giá có chuyển biến tốt. Nhân dân đánh giá cao công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, thể hiện qua chỉ số năm 2017 đạt tỉ lệ 67,2%, năm 2018 đạt tỉ lệ 70% đánh giá cao. Đây là minh chứng sinh động về nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua.

Tạo tiền đề cho công tác nhân sự nhiệm kì 2020-2025

Trên cơ sở làm tốt công tác đánh giá cán bộ, trong hơn nửa nhiệm kì qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2015-2020; hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lí cấp tỉnh, cấp huyện, các sở, ngành nhiệm kì 2020-2025; chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch những nhân tố mới, cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Công tác bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch, dân chủ; khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ. Nhân sự được bổ nhiệm đều được rà soát kĩ về điều kiện, tiêu chuẩn chính trị, phát huy tốt dân chủ và gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện không là người địa phương; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các văn bản quy định về công tác cán bộ và chính sách cán bộ cho phù hợp với quy định của Trung ương; rà soát bằng cấp của cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị để làm tốt công tác quản lí cán bộ, chấn chỉnh các sai sót, vi phạm; chủ động hơn trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó có nhiều mục tiêu trong Kế hoạch của tỉnh đặt ra cao hơn yêu cầu Nghị quyết của Trung ương, như: Đến năm 2020, thực hiện 100% đơn vị hành chính cấp huyện có bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; đến năm 2025 thực hiện 50% đơn vị hành chính cấp huyện có chủ tịch UBND huyện, 100% trưởng các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát, thuế và một số ngành khác ở cấp huyện không phải là người địa phương; tạo tiền đề để thực hiện công tác nhân sự đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kì 2020-2025.

Nhìn tổng thể, từ đầu nhiệm kì 2015-2020 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng; có sự trăn trở, tìm tòi, lựa chọn những cách làm mới, phù hợp, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ, đánh giá cán bộ, từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dĩ nhiên trong thời gian tới cần phải tập trung đầu tư hơn nữa, khắc phục thực trạng khó khăn, hụt hẫng nguồn cán bộ, cán bộ chủ chốt độ tuổi cao; một số ngành, địa phương thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chưa tốt… Các cấp ủy đảng phải tiếp tục chú trọng công tác đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng công khai, minh bạch; phát huy dân chủ, làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm cơ chế giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục phát huy tinh thần tự phê bình, phê bình trong Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết trong Đảng; xử lí kịp thời những cán bộ lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141893