Thấy gì từ những cải cách mới cấp phép dầu khí ở Mỹ?
Hôm 3/7, Chính quyền Trump đã công bố loạt cải cách mới liên quan đến quy trình cấp phép - động thái được ngành dầu khí chờ đợi từ lâu, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính vốn bị đánh giá là quá rườm rà.

Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright công bố loạt cải cách mới liên quan đến quy trình cấp phép - động thái được ngành dầu khí chờ đợi từ lâu. Ảnh AFP
Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã ban hành quy định tạm thời, trong đó loại bỏ toàn bộ các quy định hiện hành liên quan đến Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA). Cùng lúc, Bộ cũng giới thiệu hướng dẫn NEPA mới, nhằm “thay thế những quy định lỗi thời bằng các mốc thời gian rõ ràng, trả lại quyền chủ động cho các cơ quan liên quan, và đưa nước Mỹ quay lại vị thế dẫn đầu về năng lượng, việc làm và chính sách hợp lý”, theo lời Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng James Danly cho biết, việc cải cách NEPA sẽ giúp khôi phục đúng vai trò của DOE như Quốc hội từng định hình - là cơ quan hỗ trợ thông tin cho quá trình ra quyết định, chứ không phải gây cản trở cho các dự án hạ tầng quan trọng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cắt giảm những thủ tục rườm rà, không cần thiết, đồng thời xây dựng một hệ thống cấp phép với nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch, dễ dự đoán và hiệu quả. Các cơ quan chức năng hiện đã có đầy đủ thẩm quyền để đánh giá dự án một cách hiệu quả, tránh chồng chéo và đảm bảo ra quyết định đúng thời hạn theo quy định của pháp luật”.
Các cải cách lần này là kết quả của quá trình điều phối liên cơ quan do Hội đồng Chất lượng Môi trường dẫn đầu, với mục tiêu đơn giản hóa việc thực hiện NEPA, giảm chi phí xây dựng, chấm dứt tình trạng trì hoãn kéo dài nhiều năm, và ngăn việc lợi dụng quy trình đánh giá môi trường để cản trở phát triển năng lượng và hạ tầng quốc gia.
Thay đổi này được đưa ra khoảng 5 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh yêu cầu rà soát các quy định bị cho là cản trở hoạt động khai thác năng lượng trong nước. Ông cho rằng, nhiều quy định đã làm giảm nguồn cung điện ổn định, ảnh hưởng đến việc làm và chi phí năng lượng. Theo ông, sắc lệnh này nhằm thúc đẩy việc khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên nội địa, góp phần phục hồi kinh tế và tăng cường an ninh quốc gia.
Các nội dung cải cách của NEPA gồm: Loại bỏ thủ tục lỗi thời (nhiều quy trình chưa được cập nhật từ thập niên 1980), rút ngắn thời gian hoàn tất báo cáo đánh giá môi trường, áp dụng thời hạn cụ thể và giới hạn độ dài báo cáo. Ngoài ra, hướng dẫn mới quy định, chỉ sử dụng các nghiên cứu khoa học đã được xác thực, tránh xem xét những kịch bản không thực tế nằm ngoài thẩm quyền của các cơ quan liên bang, đồng thời tăng tính minh bạch và đơn giản hóa nhiều thủ tục khác.
Hướng dẫn cũng viện dẫn phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao trong vụ Seven County, qua đó giới hạn nghĩa vụ của các cơ quan liên bang trong việc phân tích ảnh hưởng khí nhà kính, giúp giảm bớt các phân tích khí hậu mang tính cực đoan.
Nhiều người trong ngành năng lượng cho rằng, Tổng thống Trump đang giữ đúng lời hứa của mình.
“Tổng thống Trump từng cam kết sẽ khai thác tối đa tiềm năng năng lượng của nước Mỹ, và ông ấy đang thực hiện điều đó, bằng cách xem dầu khí là tài sản quốc gia, chứ không phải là mối bận tâm”, ông Todd Staples - Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Texas - nói với The Center Square.
“Chính quyền đang ưu tiên khai thác năng lượng trong nước, thu hút đầu tư hạ tầng và tạo thêm việc làm - điều này không chỉ có lợi cho người dân Mỹ, mà còn cho các đồng minh của chúng ta, những người đang trông cậy vào Mỹ để đảm bảo an ninh và ổn định năng lượng. Cách tiếp cận dứt khoát này mang lại sự rõ ràng trong quy định, đảm bảo quản lý môi trường hợp lý và củng cố vị thế của Mỹ”, ông nói thêm.
Ông Ed Longanecker - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà khai thác độc lập và chủ sở hữu quyền khai thác dầu khí Texas - cho rằng: “Các hướng dẫn NEPA mới sẽ giúp quy trình cấp phép rõ ràng, hiệu quả, nhất quán và linh hoạt hơn, khi áp dụng trong thực tế. Thủ tục đơn giản hơn sẽ tạo điều kiện cho ngành của chúng tôi tập trung vào nhiệm vụ chính - cung cấp năng lượng an toàn, đáng tin cậy cho người dân Mỹ, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Đây là nỗ lực mang tính lịch sử, giúp Mỹ duy trì các tiêu chuẩn môi trường hàng đầu, trong khi vẫn thúc đẩy phát triển năng lượng - điều chúng ta và cả các đồng minh đang rất cần lúc này”.
Bà Melissa Simpson - Chủ tịch Liên minh Năng lượng Miền Tây - cũng đánh giá cao những bước đi của chính quyền Trump trong việc tháo gỡ rào cản và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và hạ tầng. Bà cho biết những cải cách này đã được chính quyền Biden, cả hai Đảng trong Quốc hội và cả Tòa án Tối cao ủng hộ.
“Bất kể quan điểm chính trị, hay chuyên môn công việc, ai cũng thấy rằng quy trình cấp phép liên bang hiện tại đang có nhiều bất cập”, bà nói thêm, dẫn chứng rằng, hiện phải mất trung bình 4,5 năm để hoàn tất một báo cáo đánh giá ảnh hưởng môi trường - vốn thường là yêu cầu bắt buộc khi xin phép liên bang.
Ông Thure Cannon - Chủ tịch Hiệp hội Đường ống Texas - cho biết ngành đường ống từ lâu đã ủng hộ những quy định giúp đẩy nhanh các dự án năng lượng, nhất là những dự án phục vụ nhu cầu trong nước. Ông nhấn mạnh ngành này luôn mong muốn có một quy trình đánh giá hiệu quả, thống nhất và rõ ràng - điều giúp các nhà đầu tư và đơn vị vận hành yên tâm khi triển khai những dự án hạ tầng lớn.
Ông Richard Welch - một lãnh đạo kỳ cựu trong ngành năng lượng - cho rằng: “Tổng thống Trump đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành dầu khí và người dân Mỹ, thông qua việc cải cách quy trình cấp phép theo NEPA, đảm bảo tiến độ các dự án trong tương lai. Quốc hội hoàn toàn có thể đẩy nhanh hơn nữa quá trình này, bằng cách cắt giảm các yêu cầu trùng lặp trong Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC), hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn quy trình cấp phép FERC với những dự án không thuộc phạm vi liên bang”.
Nhiều người trong ngành cũng kỳ vọng Quốc hội sẽ tiếp tục có thêm hành động để cải cách sâu hơn quy trình cấp phép hiện nay.