Thầy trò nhọc nhằn tìm nước sạch

Hàng ngày, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp thay phiên nhau gõ cửa từng nhà dân để xin nước về cho học trò sử dụng. Chiều đến, các thầy giáo lại nhường những giọt nước hiếm hoi cho cô trò, rồi kéo nhau ra sông tắm.

Thiếu nước, giáo viên trong trường tự khơi thông ao để lấy nước rửa tay, chân.

Thiếu nước, giáo viên trong trường tự khơi thông ao để lấy nước rửa tay, chân.

Vét ao, gõ cửa nhà dân xin nước cho trò

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp ghé thăm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Thời tiết nắng nóng ở vùng biên giới khiến không khí càng thêm phần oi bức, ngột ngạt. Cây cối, đất khai khô khốc, nứt nẻ.

Thầy Võ Hoàng Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp cho biết: Toàn trường có 31 cán bộ, giáo viên và nhân viên, giảng dạy 18 lớp học với 511 học sinh ở cả 2 cấp. Học sinh ở đây đa phần là người dân tộc thiểu số, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do nhận thức chưa cao nên người dân không quan tâm đến việc học của con cái. Sau thời gian dài vận động, tuyên truyền, nhiều gia đình mới tạo điều kiện cho con đến lớp học chữ.

Theo thầy Sơn, trường mới được xây dựng, lại ở vùng sâu vùng xa nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trường chưa có phòng chức năng, nhà hiệu bộ, phòng hội đồng, nhà công vụ cho giáo viên.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, thầy trò đang loay hoay đi tìm nguồn nước sạch về sử dụng. Thời gian qua, nhà trường phụ thuộc vào chiếc giếng đào để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, qua một thời gian sử dụng, giếng cạn nước, trơ đáy. Hiện trường chỉ còn lại ít nước trong ao nhỏ để phục vụ rửa tay chân, vệ sinh của học sinh. Thương học trò đi học trong tiết trời nắng nóng mà không có nước, các thầy cô trong trường phải thay phiên nhau xin nước của dân hoặc xách nước suối về dùng.

Dưới cái nắng khoảng 40 độ, thầy Vũ Ngọc Hoài - Tổng phụ trách Đội khoác lên mình bộ quần áo sờn cũ rồi nhảy xuống chiếc ao cạn trong trường để tìm nước. Nói là ao nhưng chỉ là một vũng nước ít ỏi còn sót lại. Đôi tay thoăn thoắt, thầy dùng cuốc đào rãnh, khơi thông dòng. Những cành cây, nắm lá khô được thầy thu gom ném lên bờ. Sau một hồi vật lộn dưới ao, chút nước hiếm hoi, đục ngầu dần chảy ra.

Thầy Hoài kể: Tình trạng thiếu nước kéo dài trong nhiều tháng. Thương trò nghèo nên những khi rảnh rỗi, thầy cô lại vào làng xin nước của người dân. Không những vậy, các giáo viên còn tranh thủ đi hứng nước suối về để sử dụng trong mùa khô hạn.

“Mỗi khi nắng nóng, nước đối với nơi đây vô cùng quý giá. Chúng tôi phải đi gõ cửa từng nhà dân để xin nước cho học sinh sử dụng. Nhà trường chỉ mong có một giếng nước sạch để thầy, trò có nước dùng., thầy Hoài chia sẻ.

Dứt lời, thầy Hoài vội leo lên bờ, phủi quần áo rồi rảo bước vào làng xin nước. Ở các lớp, học tiếng đọc bài của các em học sinh vang vọng khắp núi rừng.

Thiếu thốn trăm bề

Học sinh đông nên lượng nước của thầy cô đi xin và lấy từ suối về không đủ cho các em sử dụng. Chính vì vậy, mỗi tuần, Công ty Cao su 78 sử dụng xe bồn để hút nước từ sông Sa Thầy về bơm vào bồn cho học sinh rửa chân. Còn nước ăn uống, tắm rửa đều phụ thuộc vào số nước đi lấy về từ nhà người dân. Để tiết kiệm nước, các thầy giáo đành ra sông tắm, nhường nước lại cho cô giáo và học trò.

Không chỉ thiếu nước, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn thiếu thốn nên nhà hiệu bộ, văn phòng đều được nhường làm chỗ học tập cho các em. Nhà vệ sinh chưa có nên giáo viên nữ phải đi tắm nhờ nhà dân. Quần áo, đồ dùng học tập của học trò chủ yếu được các thầy cô vận động các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ. Thương trò, lâu lâu thầy cô trong trường lại trích khoản tiền lương ít ỏi của mình để động viên các em đến lớp. Những luống rau, cây ăn quả, con gà, con vịt cũng được thầy cô chăm bẵm để cải thiện bữa ăn cho trò nghèo.

“Chúng tôi chỉ mong các em học thật giỏi để sau này bớt khổ. Bởi có học mới giúp các em đến gần hơn với thành công. Dù thiếu thốn vật chất nhưng các em rất chăm chỉ học tập”, thầy Hà Mạnh Hùng, giáo viên nhà trường nói.

Nhắc đến việc học của trò, thầy Sơn cho hay: Hiện một số em không có đầy đủ giấy tờ để đi học. Tuy nhiên, trường vẫn tạo điều kiện để các em học chữ trước rồi bổ sung giấy tờ sau.

Nở nụ cười hiền, thầy Sơn khoe: “Hai em học sinh không đầy đủ giấy tờ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng thành tích học tập đứng hàng đầu trong trường. Do đó, chúng tôi tạo điều kiện để giúp các em được đi học đến nơi đến chốn. Có thể sau này các em sẽ mang lại tự hào cho bản thân, gia đình và nhà trường. Giờ đây, nhà trường chỉ mong các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, san sẻ xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh phục vụ cho học sinh nơi đây”.

Về vấn đề này, bà Võ Thị Kim Dung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho biết: Hằng năm, xã Mo Rai đều bị ảnh hưởng nặng nề do nắng nóng và khô hạn. Nhận được báo cáo về tình hình thiếu nước sinh hoạt của giáo viên và học sinh tại Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp, phòng đã kêu gọi công ty 78, chính quyền địa phương cùng phối hợp để cung cấp nước sạch cho học sinh sử dụng. “Chúng tôi mong muốn những nhà hảo tâm có thể chia sẻ, hỗ trợ để trường vùng cao ở Mo Rai có nước sạch để sử dụng”, bà Dung nói.

Hơn 5 năm nay, thầy và trò luôn khao khát có chiếc giếng khoan để thoát cảnh đi xin nước, vét ao mỗi khi khô hạn. Mặc dù tìm đủ mọi cách để có nước, nhưng vẫn phải chắt chiu mới đủ để sử dụng. - Thầy Võ Hoàng Sơn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thay-tro-nhoc-nhan-tim-nuoc-sach-20200610110438898.html