Thế giới của những mong ước giản đơn

Nhà văn Lê Đức Quang - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa ra mắt tập truyện ngắn “Giấc mộng xanh” (Nhà xuất bản Dân Trí phát hành). Tập sách gồm những truyện ngắn đã được đăng trên báo, tạp chí trong thời gian qua. 21 câu chuyện trong gần 200 trang sách là những lát cắt rất thực, rất đời về cuộc sống xung quanh, những trải nghiệm thực tế và có lẽ cũng là phần nào tâm tư của tác giả. Ở đó, độc giả như được dẫn vào thế giới của những "giấc mộng xanh" - những ước muốn nhỏ nhoi, đơn giản trong cuộc sống, nhưng vì một lý do nào đó không thể thực hiện được.

Đọc những câu chuyện trong “Giấc mộng xanh”, chợt có chút xót xa, tiếc nuối cho những ước muốn, dự định nhỏ bé thôi của mỗi người nhưng không thành hiện thực. Cái tựa sách “Giấc mộng xanh” - cũng là tên của một tác phẩm trong đó đã không còn thuần túy là mong ước về một rừng cây xanh tốt ở những nghĩa trang như lời nhân vật trong truyện: “Tỉnh nhắm mắt lại, tưởng tượng, mỗi ngôi mộ trồng một cây xanh, nghìn ngôi mộ thành cánh rừng. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, thành cánh rừng già xanh ngát, mát rượi…”. Khi được đưa ra làm tựa đề cho toàn tập sách thì “Giấc mộng xanh” đó đã trở thành những suy nghĩ, mong ước của mỗi số phận con người. Chính sự ngang trái, dở dang đó đã để lại những nỗi băn khoăn, tâm trạng day dứt cho các nhân vật trong truyện, cũng như người đọc. Chẳng hạn, truyện Tờ rơi quảng cáo, tác giả kể câu chuyện về thím Ba Mỹ - một người mẹ sống ở quê vò võ một mình. Một lần, bà lên thăm vợ chồng con trai sống ở thành phố trong một gian phòng chật hẹp, cuộc sống khó khăn. Tuy các con đã cố gắng làm vui mẹ bằng cách mời mẹ đi ăn, đi xem hát… nhưng tấm lòng người mẹ thấu hiểu nỗi vất vả của con nên bà đều từ chối. Rồi thím Ba Mỹ đi ra đầu ngõ, thấy có người đi phát tờ quảng cáo vở diễn có nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy thì xin mấy tờ cầm về nhà cất kín. Lúc về quê, hàng xóm sang chơi, hỏi thăm tình hình thím lên thành phố như thế nào, thím đã vẽ nên một câu chuyện xa hoa khi thì đi ăn hải sản, lúc xem cải lương trong rạp hát sang trọng, được phục vụ chu đáo. Rồi như minh chứng cho điều mình nói, thím lấy tờ giấy quảng cáo ra cho hàng xóm xem. Để rồi khi hàng xóm về, “thím Ba Mỹ ngồi lại một mình, nhìn căn nhà vắng vẻ và trống hoắc, tự nhiên thấy buồn. Thím cố không khóc, nhưng không hiểu sao nước mắt cứ chảy tràn…”.

Rồi như truyện Vị khách cuối năm kể câu chuyện về một người làm nghề chạy xích lô trong ngày cuối năm. Đang ế khách, bỗng ông nhận được một lời đề nghị của vị khách lạ và rất hào phóng khi trả tiền công cho ông, còn mời ông đi ăn. Hỏi ra mới biết, người khách này cũng làm nghề chạy xích lô ở Sài Gòn nên hiểu được nỗi vất vả của ông, cũng như mong muốn được một lần chở vợ con đi chơi Tết cho giống như người ta. Tấm chân tình của một người đạp xích lô dành cho đồng nghiệp của mình bỗng khiến cho người đọc cảm thấy nghẹn ngào…

Cứ như thế, từng câu chuyện nhỏ trong tập sách dẫn dắt người đọc đi vào thế giới của những ước mong nhỏ bé, giản đơn trong cuộc sống, nhưng nhiều lúc và với nhiều người lại không thể biến thành hiện thực. Để rồi gấp lại tập truyện, mỗi người tự nhủ sẽ cố gắng nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến những người sống quanh mình, để không bỏ lỡ những điều dù bé nhỏ nhất.

Nhà văn Lê Đức Quang từng có những tập truyện ngắn được xuất bản như: Vợ đẹp (năm 2007), Trò đời (năm 2015)… Năm 2021, anh ra mắt tập truyện cực ngắn Một phút suy ngẫm và nhận được sự đánh giá cao của bạn văn trong nước. Anh cũng từng nhận được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; đặc biệt năm 2017, truyện ngắn Mẹ quê đã giúp anh trở thành 1 trong 9 tác giả được Viện Goethe (Đức) lựa chọn để trao giải.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202310/the-gioi-cua-nhung-mong-uoc-gian-don-8e25e70/