Thế Giới Di Động, Hoa Sen, Tân Hiệp Phát lũ lượt 'chuyển' về TP.HCM

Sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM trở thành 'đại bản doanh' của loạt doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.

 "Siêu đô thị" TP.HCM có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn sau sáp nhập. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Siêu đô thị" TP.HCM có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn sau sáp nhập. Ảnh: Quỳnh Danh.

Từ ngày 1/7, TP.HCM đã chính thức sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc này, diện tích thành phố tăng lên hơn 6.700 km2, dân số vượt 14 triệu người, và tổng GRDP năm 2024 trên 2,7 triệu tỷ đồng. Đây được coi là bước ngoặt đưa TP.HCM trở thành "siêu đô thị" của khu vực Đông Nam Á, ngang tầm với Bangkok, Jakarta.

Quá trình sáp nhập không chỉ mở rộng địa giới mà còn mang theo hàng loạt doanh nghiệp lớn, vốn đang đặt trụ sở chính tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, "chuyển hộ khẩu" thành TP.HCM. Các công ty này trải khắp các lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, bán lẻ, thực phẩm - đồ uống cho đến cảng biển, dầu khí, xây dựng, bất động sản...

Quy tụ những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng

Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) - tập đoàn bán lẻ dẫn đầu Việt Nam về số lượng cửa hàng, cùng gần 97.000 tỷ đồng vốn hóa trên sàn chứng khoán.

Trụ sở chính của MWG vốn đặt tại phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũ, nay được sắp xếp lại thành phường Thủ Dầu Một, TP.HCM.

Bên cạnh đó, loạt doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ khác cũng được "gộp sổ đỏ" vào TP.HCM.

Chẳng hạn, Tân Hiệp Phát - tập đoàn nước giải khát nội địa hàng đầu với thương hiệu Trà xanh không độ, Number One - trước đây đặt trụ sở chính trên Đại lộ Bình Dương, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cũ. Hiện, nơi đây thuộc địa phận phường Bình Hòa, TP.HCM.

Hay các thương hiệu tiêu dùng nhanh, thực phẩm - đồ uống khác như P&G Việt Nam, Kimberly‑Clark, Mondelez Kinh Đô, Orion, Lotte, Uniben, Cà phê hòa tan Trung Nguyên, Sữa quốc tế LOF, Rohto‑Mentholatum... cũng đã chính thức có trụ sở tại TP.HCM.

 Tỉnh Bình Dương cũ vốn quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tỉnh Bình Dương cũ vốn quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thực tế, tỉnh Bình Dương cũ, với lợi thế quỹ đất lớn, nhiều ưu đãi cho công nghiệp, và vị trí ngay gần thị trường 10 triệu dân - TP.HCM, đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Giờ đây, việc sáp nhập đã biến TP.HCM trở thành trung tâm mới trong ngành hàng tiêu dùng nhanh của cả nước.

Nhiều ngành công nghiệp đổ về

Nhìn chung toàn địa bàn TP.HCM mới, cả khu vực TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ đều là các cực tăng trưởng chính của vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Riêng ngành cao su, ngoài Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Casumina), CTCP Cao su TP.HCM, CTCP Cao su Sài Gòn (Kymdan) đã đặt trụ sở tại TP.HCM cũ, giờ đây "siêu đô thị" này có thêm Cao su Phước Hòa (đặt tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cũ), Cao su Bà Rịa (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ).

Hay với lĩnh vực vật liệu xây dựng, TP.HCM cũng là nơi "đóng đô" mới của những thương hiệu lớn như Hoa Sen, Tôn Đông Á, Thép Nam Kim. Các doanh nghiệp này có quy mô xuất khẩu và tiêu thụ nội địa hàng đầu, sở hữu các nhà máy quy mô lớn.

Ngoài ra, các nhà máy sản xuất giày phục vụ các thương hiệu quốc tế như Adidas, Nike, hay TBS Group - một trong những tập đoàn giày dép lớn nhất Việt Nam - cũng "chuyển hộ khẩu" về TP.HCM.

Một lĩnh vực khác mà tỉnh Bình Dương cũ được xem là "thủ phủ" là ngành gỗ và nội thất. Từ nay, những doanh nghiệp lớn trong ngành như Wanek Furniture, Gỗ An Cường, Gỗ Thuận An... có trụ sở tại TP.HCM.

Thêm nguồn lực về cảng biển và dầu khí

Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ vốn được coi là trung tâm cảng biển và năng lượng của miền Nam - nay góp vào TP.HCM loạt tên tuổi lớn.

Các doanh nghiệp vận hành cảng Cái Mép - Thị Vải như Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT), Cảng quốc tế SP-SSA (SSIT), Gemadept ‑ Terminal Link nay có địa chỉ trụ sở chính tại TP.HCM.

Lĩnh vực năng lượng cũng bổ sung các công ty chủ lực như Vietsovpetro, Tổng công ty Phát điện 3.

Hay Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (chủ dự án hóa dầu lớn nhất Việt Nam, thuộc tập đoàn Thái Lan SCG) hiện cũng đổi "hộ khẩu" về TP.HCM.

 TP.HCM mới, với việc sáp nhập cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành trung tâm năng lượng và logistics cho cả khu vực miền Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

TP.HCM mới, với việc sáp nhập cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành trung tâm năng lượng và logistics cho cả khu vực miền Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Việc này củng cố vai trò TP.HCM không chỉ là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, mà còn là trung tâm điều phối ngành dầu khí, năng lượng, logistics cho cả khu vực miền Nam.

Loạt công ty bất động sản đổ bộ

Nhóm doanh nghiệp liên quan đến xây dựng và bất động sản cũng góp thêm các công ty lớn như DIC Corp, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm - chủ đầu tư dự án The Grand Ho Tram, Idico - Conac, Nam Tân Uyên...

Ngoài ra, loạt công ty liên quan đến Becamex - "ông lớn" bất động sản công nghiệp của UBND tỉnh Bình Dương cũ - như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương - công ty con của Becamex, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) - công ty liên kết của Becamex, CTCP Phát triển Đô thị (Becamex UDJ) hay CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương... cũng về TP.HCM từ 1/7.

Có thể thấy, việc sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp TP.HCM kéo thêm một lượng lớn tài sản kinh tế vào phạm vi quản lý. Tổng GRDP sau hợp nhất dự kiến tăng hơn 50% so với trước, GRDP bình quân đầu người tiệm cận mục tiêu trên 200 triệu đồng/người/năm.

Đồng thời, việc quy tụ hàng nghìn nhà máy và trụ sở doanh nghiệp cũng giúp chính quyền thành phố dễ dàng thu hút thêm đầu tư và phát triển hạ tầng liên kết vùng. Đây được xem là điều kiện quan trọng để hình thành đại đô thị công nghiệp - dịch vụ - cảng biển có tính cạnh tranh cao trong khu vực Đông Nam Á.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-gioi-di-dong-hoa-sen-tan-hiep-phat-lu-luot-chuyen-ve-tphcm-post1565435.html