Thế giới Thế giới toàn cảnh Thị trường tiềm năng của Nhật Bản

Trong bối cảnh tình trạng rác thải toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, quản lý rác thải được cho là một công việc cấp thiết 'béo bở' rất được chú trọng. Theo một số nhà phân tích tài chính, thị trường nhà máy đốt rác phát điện trên toàn thế giới nhằm giảm ô nhiễm sẽ trị giá 80 tỷ USD vào năm 2022. Nhật Bản, quốc gia nhạy bén đã nhận ra tiềm năng từ nguồn rác thải này, đang hy vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ sự gia tăng rác thải.

Rác thải nhựa tràn ngập một bãi biển ở Indonesia. Ảnh: Quartz

Rác thải nhựa tràn ngập một bãi biển ở Indonesia. Ảnh: Quartz

Một báo cáo được Nikkei Asian Review trích dẫn cho thấy Bộ Môi trường Nhật Bản đã dành khoảng 18,6 triệu USD trong ngân sách tài khóa 2019 cho một tập đoàn công tư để phát triển các dự án và đấu thầu các thỏa thuậnvề quản lý chất thải ở các quốc gia Đông Nam - khu vực hầu hết các nước đều phải đối mặt với những thách thức ô nhiễm nghiêm trọng, với mục tiêu giành được hợp đồng cho các công ty Nhật Bản.

Theo trang Quartz, Nhật Bản sẽ công khai chương trình này trong Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Osaka vào ngày 28/6 – 29/6 tới, thúc đẩy các lĩnh vực xanh của kế hoạch và đi đầu trong các hành động về môi trường. Được biết, một trong những chủ đề chính của cuộc họp năm nay là môi trường và năng lượng, tập trung vào biến đổi khí hậu, cách tiếp cận sáng tạo đối với năng lượng và quản lý rác thải nhựa.

Hiện tại, có 10 dự án nhà máy biến rác thải thành điện năng đang được thử nghiệm trên khắp 10 quốc gia ASEAN, bao gồm cả Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Nhật Bản sẽ giúp các công ty của mình bán các nhà máy chuyển đổi rác thải và các kế hoạch quản lý chất thải toàn diện, với hy vọng chiếm được thị trường trước đối thủ Trung Quốc. Theo báo cáo, Trung Quốc cũng đang bán công nghệ nhà máy biến rác thải thành điện năng, trong khi phía Nhật Bản định vị sẽ cung cấp nhiều hơn thế.

Nhật Bản đang cung cấp các gói dịch vụ bao gồm hệ thống xử lý chất thải, đào tạo nhân sự và tái chế, nhắm vào nhu cầu cụ thể của từng quốc gia. Để làm điều này, Bộ Môi trường Nhật Bản hợp tác với các công ty tư nhân, chẳng hạn như Hitachi Zosen, JFE Engineering, Mitsubishi Heavy Industries và các thành viên của chính quyền thành phố trong các khu vực có chuyên môn về các khía cạnh khác nhau của việc quản lý rác thải, như thu gom và phân loại rác. Các công ty Nhật Bản sau đó sẽ đề xuất các kế hoạch chuyên biệt cho các khu vực khác nhau của Đông Nam Á để giải quyết các vấn đề khác nhau như rác trong các thành phố ở Philippines hoặc nguồn nước ngầm bị ô nhiễm ở Việt Nam và Indonesia.

Khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu bùng nổ vào những năm 1960, theo đó vấn đề rác thải cũng buộc người Nhật phải nỗ lực đổi mới để quản lý một cách hiệu quả. Dữ liệu cho thấy, Nhật Bản hiện có 380 nhà máy chuyển rác thải thành năng lượng trên toàn quốc. Gần 1/3 các cơ sở đốt rác trên cả nước áp dụng công nghệ biến rác thải thành điện năng. Nếu mọi thứ diễn ra như mong đợi, Nhật Bản sẽ ngày càng sử dụng bí quyết này để biến rác thải thành lợi nhuận.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Nikkei & Quartz)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/thi-truong-tiem-nang-cua-nhat-ban-a73833.html