Thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan thuế trong hoàn thuế

Để việc giải quyết hoàn thuế được kịp thời và tăng cường hậu kiểm sau hoàn thuế, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ

Quang cảnh phiên thảo luận tổ

Chiều 17.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về: Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17.6.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17.6.

Thảo luận tại tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định), góp ý với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, việc sửa đổi Luật này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, và luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính.

Cùng với đó, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng thời gian qua; sửa đổi và bổ sung các quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa bày tỏ tán thành với một số định hướng sửa đổi như: chuyển mặt hàng phân bón - đầu vào của sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng sang nhóm chịu thuế suất 5%; nâng mức doanh thu của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm...

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Theo đại biểu, Luật Quản lý thuế đã quy định về thủ tục hoàn thuế, trong đó quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục hoàn thuế. Tuy nhiên, việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quản lý thuế mới chỉ quy định người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm của công chức thuế khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Thời gian qua, một số vụ án hình sự về hoàn thuế có liên quan đến công chức thuế đã được đưa ra xét xử. Thực tế, doanh nghiệp cố tình thành lập doanh nghiệp "ma" cả trong và ngoài nước nhằm hợp thức hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, thời gian hoàn thuế trước, kiểm tra sau là 6 ngày; kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày nên cơ quan thuế không đủ thời gian và thẩm quyền để điều tra, xác minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Vì vậy, để bảo đảm việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế được kịp thời, tăng cường hậu kiểm sau hoàn thuế, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị dự thảo Luật thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo hướng: Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế; người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ hoàn thuế và vi phạm (nếu có).

Làm rõ hơn nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - ĐBQH tỉnh Bình Định, cho biết "trước tình trạng gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế, chúng tôi muốn làm rạch ròi ra để những người làm gian dối phải chịu trách nhiệm".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17.6

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 17.6

"Trách nhiệm phải rạch ròi theo nguyên tắc ai làm sai người ấy chịu trách nhiệm. Không thể doanh nghiệp làm sai mà bắt công chức thuế phải chịu. Dựa trên hồ sơ hoàn thuế, giả sử người ta dùng hóa đơn giả, cơ quan thuế không thể kiểm tra đến từng nguồn gốc được, trong khi thời hạn hoàn trước, kiểm sau có 6 ngày; kiểm trước hoàn sau là 40 ngày”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

"Chúng ta phải có quy định về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công tác, giới hạn trách nhiệm thì mới làm mạnh mẽ được, mới bảo đảm được nguồn thu cho ngân sách".

Bộ trưởng nêu ví dụ, với kho bạc, "khi hồ sơ hợp lệ thì kho bạc kiểm soát chi xong phải cho đi, còn hồ sơ không hợp lệ thì không cho đi. Trong hồ sơ đó nếu có hóa đơn, chứng từ giả, hoặc bộ hồ sơ đó là giả thì doanh nghiệp và những người ký vào đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể bắt kho bạc chịu trách nhiệm".

Tương tự, "nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ hoàn thuế không đúng thì cơ quan thuế và người kiểm tra phải chịu trách nhiệm; còn người tạo tài liệu giả, tài liệu không đúng cũng phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm phải tương đồng như vậy, nếu cứ mập mờ thì người này đổ cho người kia, rất khó làm", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế trong hoàn thuế giá trị gia tăng, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định: Người nộp thuế hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, đúng mẫu biểu, tính chính xác, trung thực, tính pháp lý của các thông tin, tài liệu, số liệu trong hồ sơ hoàn thuế và các tài liệu cung cấp cho cơ quan thuế trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Cơ quan thuế có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước hoặc kiểm tra trước hoàn thuế và giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Công chức thuế chịu trách nhiệm hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, pháp luật về quản lý thuế và trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp.

Tin và ảnh: Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/the-hien-ro-hon-trach-nhiem-cua-co-quan-thue-trong-hoan-thue-i375892/